Thả hơn 400 động vật hoang dã về thiên nhiên

Tp.Hồ Chí Minh, ngày 18 tháng 4 năm 2014 – Tổ chức Bảo vệ Động vật hoang dã (WAR) phối hợp với Chi Cục Kiểm lâm Tp.Hồ Chí Minh thả về thiên nhiên hơn 300 cá thể chim Cu ngói (Streptopelia tranquebarica), 120 cá thể Tắc kè (Gekko gecko) và 13 cá thể chim Le nâu (Dendrocygna javanica).

Thả Chim Cu ngói về thiên nhiên

Số động vật hoang dã này được Trạm Cứu hộ Động vật hoang dã Củ Chi tiếp nhận từ Cảnh sát môi trường Tp.Hồ Chí Minh vài ngày trước đó. Kết quả đánh giá và kiểm tra sức khỏe cho thấy những cá thể này đủ điều kiện để có thể trở về tự nhiên.

Tại Trạm Cứu hộ ĐVHD Củ Chi, rất nhiều trường hợp ĐVHD được cứu hộ và thả về thiên nhiên chỉ sau vài ngày ở Trạm. Đó thường là những cá thể thuộc các loài chim, bò sát. Việc thả về thiên nhiên ngay sau vài ngày tiếp nhận nhằm giảm tối đa thời gian nuôi nhốt, giúp những cá thể này nhanh chóng thích nghi lại với môi trường hoang dã.

Trong số 3 loài được thả lần này, chỉ có Tắc kè có tên trong Sách Đỏ Việt Nam. Cu ngói và Le nâu tuy không có tên trong Sách đỏ Việt Nam nhưng là những loài thường bị săn bắt lấy thịt và số lượng ngoài thiên nhiên đang sụt giảm nhanh chóng. Tổ chức WAR khuyến cáo không ăn thịt ĐVHD trái phép để bảo vệ chúng khỏi nguy cơ tuyệt chủng.

Gắn thẻ và thả rùa biển quý hiếm

 Phú Quốc, ngày 19 tháng 7 năm 2013 – Sáng nay, mặc dù trời bão và sóng lớn, một cá thể Đồi mồi nặng 8kg và một cá thể Rùa xanh rặng 12 kg đã được gắn thẻ và thả thành công về Vịnh Thái Lan. Trong hơn 6 năm qua, Tổ chức WAR đã cứu hộ và thả thành công 25 cá thể rùa biển quý hiếm. Song đây là lần đầu tiên, Rùa biển được gắn thẻ trước khi thả về biển. Thẻ gắn lên rùa biển bằng kim loại với mã nước Việt Nam và địa chỉ email của Tổ chức WAR giúp dễ dàng nhận biết hai cá thể rùa biển này trong trường hợp chúng bị bắt lại hoặc được quan sát tại một khu vực nào đó.

Cá thể Đồi mồi được thu hồi từ Công ty Ngọc Trai tại Phú Quốc. Cùng ngày, cá thể Rùa xanh được ông Nguyễn Hữu Trị – một ngư dân trên đảo Phú Quốc tình nguyện bàn giao. Ông Trị cho biết cá thể Rùa xanh này đã bị mắc câu khi mới được khoảng 6kg. Có người đã hỏi mua cá thể Rùa xanh này của ông Trí với giá 2 triệu đồng, nhưng gia đình ông quyết định nuôi lớn rồi thả về biển thay vì giết thịt hoặc đem bán.

Gắn thẻ vào rùa biển trước khi thả
Thả rùa về biển

Ông Trị cũng đã cùng đoàn đi thuyền ra xa bờ khoảng 20km để thả rùa biển. Sau khi thả, hai cá thể rùa biển còn ngoi lên mặt sóng 2 lần như muốn cảm ơn và tạm biệt cả đoàn trước khi lặn hẳn xuống biển sâu.

Ông Nguyễn Vũ Khôi – Giám đốc Tổ chức WAR chia sẻ “Chúng tôi đánh giá cao hành động của Ông Trị và gia đình. Tổ chức WAR hy vọng trong thời gian tới, sẽ có thêm nhiều người hành động như Ông Trị nhằm góp phần bảo vệ sinh vật biển quý hiếm, bảo vệ tài nguyên biển”.

Việc cứu hộ, gắn thẻ và thả rùa biển này được thực hiện bởi Tổ chức WAR, các cán bộ Khu Bảo tồn Biển Phú Quốc và Tổ Điều tra liên ngành tại Phú Quốc. Đây là một hoạt động trong khuôn khổ dự án “Bảo tồn Dugong và Đa dạng sinh học khu vực Phú Quốc, Thổ Chu” do Tổ chức WAR và Khu Bảo tồn Biển Phú Quốc thực hiện từ năm 2013 đến năm 2015. Dự án này là một trong những can thiệp của Tổ chức WAR nhằm bảo tồn Dugong, sau khi phát hiện đường dây buôn bán thịt Dugong tại Phú Quốc vào tháng 8 năm 2012.

Thả thành công 54 cá thể động vật hoang dã quý hiếm về rừng

 Ngày 17 tháng 5 năm 2013 – Năm mươi tư cá thể động vật hoang dã quý hiếm bao gồm 39 cá thể Rùa núi vàng (Indotestudo elongata), 06 cá thể Vượn đen má vàng (Nomascus gabriellae), 05 cá thể Cầy vòi hương (Paradoxurus hermaphrodites) và 04 cá thể Cú lợn lưng xám (Tyto alba), với tổng khối lượng lên đến 103 kg, đã được thả về Vườn quốc gia Bù Gia Mập – Tỉnh Bình Phước, dưới sự phối kết hợp của Tổ chức Bảo vệ Động vật hoang dã (WAR) và Chi cục Kiểm lâm (CCKL) Thành phố Hồ Chí Minh. Toàn bộ các cá thể trên đã được cứu hộ tại Trạm cứu hộ Động vật hoang dã Củ Chi trước khi được thả về rừng.

Thả Vượn về thiên nhiên

Các cá thể Rùa núi vàng được thả lần này do Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Phước tịch thu từ một vụ buôn bán trái phép tháng 11 năm 2012, còn Vượn đen má vàng được CCKL Thành phố Hồ Chí Minh (Tp. HCM) và Tỉnh Bình Dương cứu hộ từ các vụ nuôi nhốt trái phép. Rùa núi vàng và Vượn đen má vàng là hai loài có nguy cơ tuyệt chủng cao và bị đe doạ tuyệt chủng ở mức Nguy cấp (theo Sách Đỏ Việt Nam) và được Pháp luật Việt Nam bảo vệ.

Năm cá thể Cầy vòi hương được Hạt kiểm lâm Củ Chi, Tp. HCM tịch thu từ buôn bán trái phép. Riêng bốn cá thể chim Cú lợn lưng xám là do người dân địa phương tự nguyện giao nộp khoảng 3 tháng trước. Số lượng hai loài Cầy vòi hương và Cú lợn lưng xám trong tự nhiên đang sụt giảm nghiêm trọng do nạn săn bắt lấy thịt và làm cảnh. Các loài này đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng nếu không có biện pháp nghiêm ngặt bảo vệ.

Sinh viên thả cá bản địa về thiên nhiên

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 21 tháng 03 năm 2013 – Gần 200 cá thể cá Lia thia và Lòng tong sọc đã được thả về sông Bến Cát, phụ lưu của sông Sài Gòn, nâng tổng số lượng cá bản địa được Tổ chức Bảo vệ Động vật hoang dã (WAR) thả về tự nhiên lên gần 1500 cá thể kể từ tháng 3 năm 2011. Toàn bộ cá đem thả lần này được gây nuôi từ chương trình “Nhân giống và thả cá bản địa về thiên nhiên” tại văn phòng Tổ chức Bảo vệ Động vật hoang dã (WAR) từ tháng 2/2010. Chương trình nhằm nâng cao nhận thức của cộng động về tầm quan trọng của việc bảo vệ các loài sinh vật bản địa và đóng góp trực tiếp vào công tác bảo tồn thiên nhiên. Hai mươi sinh viên đến từ bốn trường đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh gồm Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Kinh Tế, Đại học Ma-két-tinh và Đại học Nông Lâm đã chủ động đăng ký tham gia hoạt động và thảo luận sôi nổi về kỹ thuật chăm sóc cá cũng như mục tiêu bảo tồn của chương trình “Nhân giống và thả cá bản địa về thiên nhiên”. Sau khi thả cá, một số sinh viên đã hào hứng nhận cá về nuôi.

 Ông Bùi Hữu Mạnh, Cán bộ Bảo tồn, Tổ chức WAR cho biết: “Ngoài 4 loài cá Lia thia, Lòng tong sọc, Lòng tong đá, Bã trầu đã được gây nuôi và thả thành công thời gian qua, Tổ chức WAR đang tiếp tục nghiên cứu, gây nuôi và thả thêm một số loài cá bản địa khác trong tương lai.”Người dân, học sinh, sinh viên quan tâm, xin mời tiếp tục liên hệ với Tổ chức WAR để nhận cá bản địa về nuôi, hoặc được tư vấn kỹ thuật gây nuôi, chăm sóc cá bản địa và những thông tin bổ ích liên quan đến việc phóng sinh và bảo tồn động vật hoang dã.Mời xem thêm một số hình ảnh về chuyến thả cá bản địa này tại đây.

Khởi đầu năm Rắn thả rắn về thiên nhiên

Ngày22 tháng 2 năm 2013Một cá thể rắn Hổ đất quý hiếm (Naja kaouthia) và một cá thể rắn Hổ ngựa (Elaphe radiata) đã được thả về rừng Vườn Quốc gia Lò Gò – Xa Mát. Đây là đợt thả thú đầu tiên kể từ sau Tết Âm lịch Quý Tỵ, doTổ chức Bảo vệ Động vật hoang dã (WAR) phối hợp với Chi cục Kiểm lâm Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành.

 Hai cá thể rắn được thả trong dịp này do Chùa Hoằng Pháp và Chùa Vạn Đức, Thành phố Hồ Chí Minh tự nguyện giao nộp vào tháng 9 và tháng 12 năm 2012. Sau một thời gian được cứu hộ tại Trạm cứu hộ Động vật hoang dã Củ Chi, đến nay hai cá thể đã hoàn toàn hồi phục bản năng để trở về thiên nhiên hoang dã. Ở Việt Nam, số lượng các loài rắn trong tự nhiên hiện suy giảm trầm trọng, do bị săn bắt làm thịt, uống rượu. Mất môi trường sống cũng là một nguyên nhân quan trọng đẩy các loài rắn đến bờ tuyệt chủng trong tương lai gần.

 Cũng trong dịp này, một cá thể Chồn bạc má (Melogale personata) và sáu cá thể Kỳ đà vân quý hiếm (Varanus bengalensis) cũng đã được thả về thiên nhiên. Cả hai loài đều là những loài quý hiếm có tên trong Sách Đỏ Việt Nam và cần được bảo vệ. Thả về thiên nhiên các loài động vật hoang dã quý hiếm, Tổ chức WAR hy vọng mọi người sẽ sống thân thiện hơn với các loài hoang dã, đặc biệt là loài rắn trong năm con Rắn này.  

Rái cá vuốt bé và Cầy vòi hương về rừng

Ngày 11 tháng 1 năm 2013 – Tổ chức WAR phối hợp với Vườn Quốc gia Cát Tiên thả thành công một cá thể Rái cá vuốt bé (Aonyx cinerea) và một cá thể Cầy vòi hương (Paradoxurus hermaphrodites). Cá thể Rái cá vuốt bé được Kiểm lâm Vườn Quốc gia Cát Tiên cứu hộ từ một vụ săn bắt trái phép hồi đầu năm nay. Còn cá thể Cầy vòi hương được Hạt Kiểm Lâm huyện Đạ Houai, tỉnh Lâm Đồng tịch thu từ vụ mu bán trái phép vào tháng 5/2012. Cả hai cá thể này được chăm sóc và phục hồi sức khoẻ tại Trạm Cứu hộ Gấu và Thú họ Mèo Cát Tiên trước khi trở về thiên nhiên.

Trong thời gian qua, số lượng Rái cá vuốt bé ngoài thiên nhiên ngày càng giảm mạnh vì nạn săn bắt trái phép làm cảnh, ăn thịt và lấy da. Cầy vòi hương là một trong những loài thường bị săn bắt, buôn bán làm thịt. Cả 2 loài này đều cần được bảo vệ

Tiếp tục thả cá bản địa về thiên nhiên

TP. Hồ Chí Minh, ngày 21 tháng 12 năm 2012 – Hơn 150 cá thể cá bản địa các loài gồm Lòng tong sọc (Rasbora trilineata), Lòng tong đá (Rasbora paviana) Lia thia (Betta splendens) đã được thả về kênh Nhiêu Lộc, gần cầu Điện Biên Phủ 2, Quận Bình Thạnh. Toàn bộ cá được thả lần này được gây nuôi từ chương trình “Nhân giống và thả cá bản địa về thiên nhiên” tại văn phòng Tổ chức Bảo vệ Động vật hoang dã (WAR) từ tháng 2, năm 2010.

 Trong lần thả này, có thêm hơn 50 cá thể Lòng tong sọc được nhân giống thành công và thả về thiên nhiên. Cá Lòng tong sọc phân bố chủ yếu ở miền Nam, sống phổ biến trong môi trường nước chảy chậm như ao hồ, đầm lầy, và sông suối. Thức ăn ưa thích của chúng là côn trùng nhỏ, đặc biệt là ấu trùng muỗi. Loài này cũng ăn các chất hữu cơ, giúp làm sạch nguồn rác hữu cơ từ nước thải sinh hoạt.Dưới sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức WAR, gần 20 thành viên Chiến dịch 350 Việt Nam đã tham gia thả cá nhằm góp phần khôi phục quần thể  cá bản địa tại thành phố và khuyến khích người dân địa phương sử dụng cá bản địa làm cảnh. Cá Lòng tong sọc cái (trên) và đực (dưới) sẵn sàng đem thả. 

Tính đến nay, hơn 1.300 cá thể thuộc bốn loài cá bản địa bao gồm Lia thia, Lòng tong đá, Bã trầu và Lòng tong sọc đã được thả về các phụ lưu của sông Sài Gòn. Tổ chức WAR tiếp tục thực hiện chương trình nghiên cứu, gây nuôi và thả thêm nhiều loài cá bản địa về thiên nhiên trong tương lai.Xin mời mọi người dân, học sinh, sinh viên quan tâm đến việc sử dụng cá bản địa làm cảnh, liên hệ với Tổ chức WAR để nhận cá và được tư vấn kỹ thuật gây nuôi, chăm sóc cá bản địa. Xin mời tải thông cáo báo chí tại đây

Thả rắn và trăn quý hiếm về Vườn Quốc gia Cát Tiên

Ngày 11 tháng 12 năm 2012 – Mười cá thể động vật hoang dã quý hiếm với tổng trọng lượng 57,5 kg, bao gồm hai cá thể rắn Hổ mang chúa (Ophiophagus hannah), hai cá thể Trăn gấm(Python reticulatus), một cá thể Trăn đất (Python molurus), bốn cá thể rắn Hổ đất(Naja kaouthia) và một cá thể Cầy hương(Viverricala indica), đã được thả thành công về Vườn Quốc gia Cát Tiên trong sự phối hợp giữa Tổ chức WAR và Chi cục Kiểm lâm Thành phố Hồ Chí Minh. Trong số đó, hai cá thể rắn Hổ mang chúa được chùa Văn Đức và chùa Hoằng Pháp, Thành phố Hồ Chí Minh tự nguyện giao nộp cho Trạm cứu hộ Động vật hoang dã Củ Chi ba tháng trước đây. Các cá thể khác được tịch thu từ các vụ buôn bán trái phép, hoặc được người dân tự nguyện giao nộp. Những cá thể này đều trong tình trạng khỏe mạnh sau một thời gian được chăm sóc và cứu hộ tại Trạm cứu hộ Động vật hoang dã Củ Chi.Các loài được thả này đều có nguy cơ tuyệt chủng rất cao và được Pháp luật Việt Nam bảo vệ.

Tổ chức WAR trân trọng cám ơn và đánh giá cao các cá nhân và đơn vị đã hợp tác với Tổ chức WAR trong việc cứu hộ và tái thả Động vật hoang dã quý hiếm Việt Nam.

Thả thành công nhiều Động vật hoang dã quý hiếm về Khu dự trữ Sinh quyển Kiên Giang

Kiên Giang, ngày 15 tháng 11 năm 2012, Tổ chức Bảo vệ Động vật Hoang dã (WAR – Wildlife At Risk) phối hợp cùng Vườn Quốc gia Phú Quốc và đại diện của Ban quản lý Khu dự trữ Sinh quyển Kiên Giang, đã tiến hành thả 62 cá thể Ếch cây sần Taylor (Theloderma stellatum) về Khu dự trữ Sinh quyển Kiên Giang. 52 cá thể Ếch cây sần Taylor đời F1 đã được nhân giống từ mười cá thể bố mẹ – được nuôi dưỡng từ giai đoạn nòng nọc – sau gần 2 năm tại văn phòng Tổ chức WAR. Tổ chức WAR hy vọng việc tái thả này sẽ làm phong phú thêm cho quần thể loài ếch cây sần Taylo tại Phú Quốc.

Cũng trong dịp này, chín cá thể động vật hoang dã (ĐVHD) quý hiếm các loại, bao gồm Trăn đất (Python molurus), Mèo rừng (Prionailurus bengalensis), Tê tê Java (Manis javanica), Ba ba Nam bộ (Amyda cartilaginea), Vịt trời (Anas poecilorhyncha) và Chồn đèn (hay còn gọi là Cầy lỏn tranh – Herpestes javanica) đã được thả thành công về Vườn Quốc Gia U Minh Thượng dưới sự phối kết hợp giữa Tổ chức WAR và Chi cục Kiểm lâm Kiên Giang. Tất cả cá thể đều trong tình trạng sức khỏe tốt, sau một đến ba tháng được cứu hộ tại Khu cứu hộ Động vật hoang dã Hòn Me

Các cá thể được thả lần này là các loài ĐVHD sống phổ biến trong vùng đồng bằng sông Cửu Long. Bốn loài trong số chúng được xếp vào danh mục các loài cực kỳ nguy cấp (Trăn đất), nguy cấp (Mèo rừng, Tê tê Java) và sẽ nguy cấp (Ba ba Nam bộ) theo Sách đỏ Việt Nam. Các cá thể ĐVHD được cứu hộ và thả về hoang dã sẽ là những tín hiệu tích cực cho công tác bảo tồn và phát triển không chỉ tại Vườn Quốc gia U Minh Thượng và Vườn quốc gia Phú Quốc, mà cho cả Khu dự trữ Sinh quyển Kiên Giang.

Thả thành công 35 cá thể động vật hoang dã quý hiếm về rừng

Trong số 35 cá thể được thả lần này, phải kể đến hai cá thể rắn Hổ mang chúa quý hiếm nặng tổng cộng hơn 20kg, được Chùa Vạn Đức tự nguyện bàn giao cho Trạm Cứu hộ Động vật Hoang dã (ĐVHD) Củ Chi cách đây ba tháng. Chín cá thể Rùa núi vàng thả về rừng đợt này được sinh ra tại Trạm Cứu hộ ĐVHD Củ Chi. Các cá thể còn lại là tang vật của các vụ mua bán vận chuyển hoặc nuôi nhốt trái phép. Tất cá các loài này đều là loài quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng. 

 Tăng ni Phật tử tụng kinh trước khi thả ĐVHD về rừng

Thả Hổ mang chúa và các loài khác về rừng

Tổ chức WAR trân trọng cảm ơn tăng ni Phật tử Chùa Vạn Đức và các tổ chức, cá nhân đã hợp tác, hỗ trợ và góp phần cùng WAR bảo vệ ĐVHD quý hiếm Việt Nam. 

Điện thoại

Đường dây nóng WAR: 0976.06.76.46

Văn phòng tổ chức WAR: 028 3899 7314

Thông báo với chúng tôi

Khi thấy động vật hoang dã quí hiếm ngoài thiên nhiên hoặc đang bị buôn bán, tiêu thụ trái phép

    [mfile wildlife-photo filetypes:jpg|jpeg|bmp|png|gif]

      [mfile wildlife-photo filetypes:jpg|jpeg|bmp|png|gif]

      Back To Top