Wildlife At Risk và lực lượng Kiểm lâm cứu hộ Báo hoa mai

Sáng ngày 21 tháng Mười Một năm 2008, các chuyên gia bảo tồn của tổ chức Wildlife At Risk (WAR) và lực lượng kiểm lâm đã cứu thoát an toàn một con báo hoa mai Panthera pardus.

Các nhân viên từ Trạm Cứu hộ Động vật Hoang dã Củ Chi (CCWRS) đã phải đi hơn 200km đến thị trấn Vĩnh Long đến nơi con vật 35kg này đang được nuôi nhót. Người chủ con vật cho biết ông đã mua nó từ một kẻ buôn động vật hoang dã ở gần biên giới Cam-pu-chia khi nó còn non và đã nuôi con vật được 3 năm.

Sau vài giờ, con vật được gây mê đã được vận chuyển an toàn đến nơi ở mới – Trạm Cứu hộ Động vật Hoang dã Củ Chi, tại đây nó được chăm sóc trong gần hai năm qua.

Ngày 31 tháng Năm năm 2010, sau khi ngôi nhà mới của cô báo đã được hoàn thành tại Vườn Quốc gia Cát Tiên, tỉnh Đồng Nai, cô báo hoa mai cuối cùng cũng đã được chuyển đến nơi chăm sóc rộng hơn, với diện tích khoảng 150m2 với môi trường bán tự nhiên phù hợp cho nó.

Lucy, tên của cô báo, sẽ sống tại đây, không thể thả lại tự nhiên do thiếu hoàn toàn bản năng săn mồi, đã quen với người cũng như không có môi trường phù hợp cho nó.

Nếu muốn thấy Lucy, bạn có thể ghé thăm Vườn Quốc gia Cát tiên và nhân viên của Wildlife At Risk (WAR) sẽ tận tình hướng dẫn bạn tham quan khu vực cứu hộ.

Cứu hộ hai cá thể Vượn đen má vàng

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 25 tháng 3 năm 2011 – Đội cơ động Chi Cục Kiểm lâm Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Tổ chức Bảo vệ Động vật hoang dã (WAR) cứu hộ thành công một cá thể đực và một cá thể cái Vượn đen má vàng (Hylobates gabriellae) tại một trang trại ở quận 12.

Hai cá thể này có nguồn gốc từ rừng Campuchia, được tặng cho chủ nuôi cách đây hơn 20 năm. Kể từ đó, cuộc sống của hai cá thể này bị bó buộc trong không gian khá tù túng chưa đầy 6m2. Chúng thường được cho ăn cơm và thịt, thậm chí còn được cho uống bia, trong khi thức ăn chính của Vượn đen má vàng là trái cây, chồi cây, côn trùng, trứng chim. Do bị nuôi nhốt và chăm sóc không đúng cách, hai cá thể Vượn này bị suy dinh dưỡng trầm trọng và tiêu chảy kéo dài.

Sau khi nhận được tin báo, Đội cơ động Chi cục Kiểm lâm Thành phố đã làm việc với chủ nuôi và quyết định cứu hộ, bàn giao hai cá thể vượn cho Trạm cứu hộ Động vật Hoang dã Củ Chi. Nhóm cán bộ WAR đã cứu hộ và vận chuyển an toàn hai cá thể về Trạm.Anh Nguyễn Thành Thái – Bác sĩ thú y tại Trạm Cứu hộ Động vật hoang dã Củ Chi cho biết, hai cá thể Vượn này có tình trạng sức khoẻ kém nhất trong số tất cả các cá thể mà trạm đã cứu hộ từ trước đến nay. Có thể phải mất khá lâu chúng mới được hồi phục và trở lại tình trạng bình thường, sẵn sàng hoà nhập với cuộc sống hoang dã.

Hiện nay sức khoẻ 2 cá thể này đã được cải thiện đáng kể, chúng đang quen dần với môi trường sống tại Trạm Cứu hộ. Bạn có thể thăm và hỗ trợ hai cá thể Vượn đen má vàng này  tại Trạm Cứu hộ Động vật hoang dã Củ Chi.

Phát hành sách Rắn Biển Việt Nam

Rắn biển, một loài động vật hoang dã đang được khai thác trên nhiều vùng biển Việt Nam. Nhiều loài có nọc độc gây chết người và một số loài rất hiếm gặp hoặc mới được ghi nhận gần 1 loài khác.

Tháng 8-2016, WAR kết hợp với Viện Hải Dương Học Nha Trang xuất bản cuốn sách nhỏ về các loài rắn Viêt Nam và hy vọng sẽ giúp ích cho những ai quan tâm đến nhóm loài này có thêm thông tin cần thiết.

HÃY CÙNG CHÚNG TÔI BẢO VỆ SỰ ĐA DẠNG SINH HỌC VÀ GÌN GIỮ THIÊN NHIÊN HOANG DÃ. Nói không với các sản phẩm từ Động vật Hoang dã trái phép

Ba mươi con chim đã trở về thiên nhiên hoang dã

Ngày 7/6/2017, nhận được đề nghị giúp đỡ từ 1 cơ sở thiện tâm muốn thả động vật hoang dã về môi trường thiên nhiên, tổ chức Bảo vệ Động vật Hoang dã (WAR) đã hỗ trợ liên lạc với Trung tâm Cứu hộ – Vườn Quốc Gia U Minh Thượng và cử bác sỹ thú y cùng chuyên gia có kinh nghiệm đến hỗ trợ kỹ thuật cho Trung tâm trong công tác tiếp nhận chăm sóc, kiểm tra sức khỏe, xác định thành phần loài và vùng phân bố của chúng. Đây là 30 con chim nước thuộc các loài có sinh cảnh sống phù hợp với các vùng đất ngập nước trong vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Thả Cò Nhạn về Vườn quốc Gia – U Minh Thương – KiênGiang

Số lượng chim hoang dã được thả trong đợt này gồm có: 13 cá thể Cò Nhạn (Anastomus oscitans) quí hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam bậc R( hiếm), 3 cá thể Vịt trời (Anas poecilorhyncha) và 14 cá thể Bìm bịp (Centropus sinensis). Những cá thể này đã được bác sỹ thú y và chuyên gia của tổ chức WAR và Vườn Quốc gia kiểm tra đủ điều kiện sức khỏe để thả về thiên nhiên . Rừng ngập nước than bùn trong vùng đồng bằng sông Cửu Long là môi trường sống lý tưởng cho những cá thể chim nước tồn tại và phát triển, trong đó cò các loài thuộc họ Hạc (Ciconiidae). Việc bổ sung các cá thể Cò Nhạn vào quần thể đang bị suy giảm hiện nay góp phần tăng tính đa dạng trong nguồn gen của quần thể loài.

Vịt trời lại được tung tăng săn mồi trong môi trường hoang dã

Thả thành công 10 cá thể động vật hoang dã về rừng.

Ngày 13 tháng 4 năm 2017 – Tại Vườn quốc gia Lò Gò Xa Mát – tỉnh Tây Ninh, Tổ chức Bảo vệ Động vật Hoang dã (WAR) phối hợp với Chi cục Kiểm lâm Bình Dương thả thành công 10 cá thể động vật hoang dã gồm 4 cá thể Chồn bạc má  (Melogale personata), 4 cá thể Rắn ráo trâu (Ptyas mucosus), 2 cá thể Hổ hành (Xenopeltis unicolor), với tổng khối lượng hơn 8,0kg. Toàn bộ các cá thể trên đã được các nhân viên có nhiệt huyết, kinh nghiệm của Tổ chức WAR chăm sóc, cứu chữa trước  khi thả về rừng.

Phần lớn số động vật hoang dã được thả trong đợt này là do kiểm lâm và cảnh sát môi trường tỉnh Bình Dương tịch thu  từ việc mua bán động vật hoang dã  trái phép. Đây là lần đầu tiên Tổ chức WAR kết hợp với Chi cục kiểm lâm tỉnh Bình Dương trong việc cứu hộ và thả động vật hoang dã  trái phép về môi trường thiên nhiên hoang dã. Công việc này đạt được thành công nhờ sự hỗ trợ của chương trình Bảo tồn Đa dạng Sinh học của WAR và Viện Sinh Thái Tài Nguyên Sinh Vật (IEBR).

Phát hành sách về giáo dục bảo tồn Biển Côn Đảo


Quyển sách “Biển Côn Đảo của em” và “Giáo Dục bảo tổn biển Côn Đảo” đã được WAR xuất bản vào tháng 07/2016 bằng tiếng Việt, dưới sự hỗ trợ kinh phí của Tổ chức WAR.

Hiện sách đang được chuyển cho Vườn Quốc Gia Côn Đảo để phát miễn phí cho giáo viên và học sinh

Thả rùa biển quý hiếm về Khu Bảo Tồn Biển Hòn Cau – Bình Thuận

Ngày 3 tháng 3 năm 2017, Tổ chức Wildlife At Risk – WR đã phối hợp với Chi cục Quản lý Chất lượng và Bảo vệ Nguồn lợi Thủy sản Tp. Hồ Chí Minh thả 2 cá thể rùa biển, Eretmochelys imbricate, về Khu Bảo Tồn Biển Hòn Cau – Bình Thuận


Gắn thẻ theo dõi trước khi thả rùa biển về môi trường thiên nhiên hoang dã

Trước khi được thả, các cá thể rùa biển được bác sĩ thú y của WAR kiểm tra và sau đó gắn thẻ theo dõi. Nụ cười hạnh phúc xuất hiện trên khuôn mặt của các “chiến binh” bảo vệ động vật hoang dã . Hoạt động thả rùa về biển đã nhận được sự giúp đỡ tích cực của Ban Giám Đốc Khu Bảo Tồn Biển Hòn Cau.


Phút giây hạnh phúc trên biển Hòn Cau

Trong tháng 7 – 2016, WAR cũng thả về Khu bảo tồn biển Hòn Mun – Nha Trang hai cá thể Đồi mồi , Eretmochelys imbricate với sự hỗ trợ của cán bộ Khu bảo tồn biển


Tạm biệt và chúc may mắn cho những chú rùa biển

Di dời thành công đàn khỉ ở Tòa Thánh Tây Ninh

Tổ chức Bảo vệ Động vật Hoang dã WAR, nhận được đề nghị hỗ trợ từ Chi cục kiểm lâm tỉnh Tây Ninh về “việc di dời những cá thể khỉ đầu đàn gây nguy hại đến người dân quanh vùng  tại Tòa Thánh Tây Ninh và thả về môi trường thiên nhiên hoang dã”.

Trong ba ngày 26, 27 và 28/9/2016 Tổ chức WAR  đã bắt giữ và di dời 8 cá thể khỉ đuôi lợn (Macaca nemestrina) và đuôi dài (Macaca fascicularis)  . Đây là những cá thể khỉ đầu đàn đã từng cắn người tham quan du lịch và người dân quanh vùng. Hoạt động này đã nhận được sự hoan nghênh của người dân và sự đồng tình ủng hộ của các cơ quan ban ngành trong tỉnh

Thi gấp giấy tại ngày hội Bảo vệ Động vật hoang dã

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 19 tháng 3 năm 2016 – Gần 200 học sinh và giáo viên Quận Tân Bình đã tham gia các hội thi và nhiều trò chơi sôi nổi tại Ngày hội Bảo vệ Động vật hoang dã Quận Tân Bình. Tổ chức Bảo vệ Động vật hoang dã (WAR) và Phòng Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Quận Tân Bình tổ chức ngày hội này nhằm nâng cao nhận thức của học sinh, định hướng, khích lệ học sinh và cán bộ giáo dục cùng hành động bảo vệ động vật hoang dã (ĐVHD), đồng thời tổng kết chuỗi hoạt động ngoài giờ lên lớp (NGLL) bảo vệ ĐVHD tại Quận Tân Bình.Hơn 200 đại biểu và học sinh tham gia Ngày hội bao gồm đại diện Sở GDĐT TP.HCM, cán bộ lãnh đạo Phòng GDĐT Quận Tân Bình, đại diện ban giám hiệu, giáo viên và học sinh đến từ 12 trường Trung học cơ sở (THCS) thuộc quận Tân Bình, cán bộ và sinh viên Tổ chức WAR. Các em học sinh tham gia ngày hội là những người chiến thắng trong các cuộc thi gấp giấy bảo vệ ĐVHD được tổ chức tại trường trong năm học 2015-2016.

Điểm nhấn của Ngày hội Bảo vệ ĐVHD là Hội thi Gấp giấy bảo vệ ĐVHD cấp Quận, với sự tham gia của toàn bộ học sinh và giáo viên 12 Trường THCS. Mỗi Trường tham gia hội thi thực hiện một mô hình gấp giấy trên đế cứng kích thước 100X50cm. Mỗi tác phẩm gồm nhiều sản phẩm gấp giấy ĐVHD, trên mỗi con vật đều gồm một hành động thiết thực cụ thể mà học sinh sẽ làm để bảo vệ ĐVHD. Tác phẩm đoạt Giải Nhất không những mang tính thẩm mỹ cao, màu sắc sống động với nhiều loài ĐVHD bằng giấy, mà còn bao gồm nhiều hành động cụ thể mà học sinh có thể thực hiện được nhằm bảo vệ ĐVHD. Ngoài Giải Nhất, hội thi xếp giấy đã trao 02 Giải Nhì, 03 Giải Ba và 06 Giải Khuyến Khích cho các trường. 

Trước đó, 12 cuộc thi Gấp giấy bảo vệ ĐVHD cấp trường đã được tổ chức tại 12 trường THCS quận Tân Bình, trong khuôn khổ hoạt động NGLL thuộc Chương trình SOS do Tổ chức WAR hỗ trợ tổ chức. Tại mỗi trường, cuộc thi gấp giấy này đã được phát động và tổng kết trước toàn trường trong các giờ chào cờ thứ Hai đầu tuần, với sự tham gia của hơn 17.000 học sinh. Mỗi buổi phát động và tổng kết đều là những hội thi bảo vệ ĐVHD cho học sinh toàn trường. Ngoài ra, mỗi trường cũng được Tổ chức WAR hỗ trợ lắp đặt một bảng tin bảo vệ ĐVHD lớn tại trường học nhằm giúp học sinh tìm hiểu kiến thức tham gia cuộc thi gấp giấy và các hội thi. 

Trước khi bắt đầu ngày hội, đại biểu và học sinh cũng đã được chiêm ngưỡng 12 bộ tác phẩm của 12 trường được dựng nên từ hàng trăm sản phẩm gấp giấy đã đoạt giải Cuộc thi Gấp giấy Bảo vệ ĐVHD cấp trường trong học kỳ 1, năm học 2015-2016. Tại ngày hội Bảo vệ ĐVHD, học sinh còn được tham gia Hội thi kiến thức bảo vệ ĐVHD. Đây là một trò chơi lớn, đơn giản, sinh động và vui tươi, giúp học sinh hiểu thêm về ĐVHD, đồng thời khích lệ học sinh sẵn sàng tham gia bảo vệ ĐVHD. Mười lăm học sinh xuất sắc và may mắn nhất đã được trao giải.Trong Ngày hội và trước khi ra về, học sinh và đại biểu đã cùng nhau đọc cam kết bảo vệ ĐVHD, đồng thời chụp ảnh thể hiện cam kết sẽ thực hiện ít nhất một hành động bảo vệ ĐVHD trong thời gian tới!

Bà Đỗ Thị Thanh Huyền, Quản lý Giáo dục Bảo tồn Tổ chức WAR cho biết: “Ngày hội Bảo vệ ĐVHD Quận Tân Bình này cùng với chuỗi các hoạt động ngoài giờ lên lớp không chỉ là sân chơi bổ ích cho học sinh, giúp các em hiểu thêm về ĐVHD mà còn giúp gắn kết các em với những vấn đề thực tiễn về thực trạng buôn bán tiêu thụ ĐVHD đang diễn ra xung quanh mình. Thông qua đó, Ngày hội khích lệ các em hành động, góp sức mình vào việc bảo vệ ĐVHD cùng với cộng đồng. Tôi tin là mỗi người trong số hàng chục ngàn học sinh và giáo viên tham gia chương trình đều đã tìm ra được hành động tốt đẹp nhất mà mình có thể làm và sẽ làm để bảo vệ ĐVHD”.

Sau Ngày hội, các mô hình gấp giấy bảo vệ ĐVHD sẽ được trưng bày tại Trường học cho toàn bộ học sinh và giáo viên các trường tham quan, học tập. Đây sẽ là nguồn thông tin bổ ích giúp học sinh và giáo viên xác định những hành động mà mình sẽ làm để bảo vệ ĐVHD.

Ngày hội Bảo vệ ĐVHD Quận Tân Bình là hoạt động thuộc hợp phần NGLL trong khuôn khổ Chương trình SOS – Giáo dục Bảo vệ Động vật hoang dã khỏi tiêu thụ trái phép do Tổ chức WAR phối hợp với Sở GDĐT Tp.HCM và Chi Cục Kiểm lâm Tp HCM thực hiện từ tháng 12/2011 nhằm kêu gọi học sinh Nói KHÔNG với sản phẩm ĐVHD trái phép! Cũng trong hợp phần NGLL này, trong năm học 2015-2016, Tổ chức WAR còn hỗ trợ 23 trường THCS với hơn 23.000 học sinh tại huyện Củ Chi và cung cấp tài liệu hướng dẫn tích hợp nội dung bảo vệ ĐVHD vào hoạt động NGLL tới toàn bộ gần 300 trường THCS tại TP.HCM.

Tải thông cáo báo chí tại đây, xem thêm hình ảnh tại đây

Ngày hội Bảo vệ Dugong 2015

Phú Quốc, ngày 27 tháng 12 năm 2015 – Tổ chức Bảo vệ Động vật hoang dã (WAR) phối hợp với Khu Bảo tồn Biển Phú Quốc tổ chức Ngày hội Bảo vệ Dugong 2015 tại Hàm Ninh, Phú Quốc. Sự kiện nhằm kêu gọi cán bộ lãnh đạo, người dân địa phương và khách du lịch tham gia bảo vệ Dugong và các loài sinh vật biển quý hiếm Phú Quốc. Khác với Ngày hội Bảo vệ Dugong năm trước, Ngày hội Bảo vệ Dugong 2015 đã diễn ra trong một ngày tại cảng Hàm Ninh và Bãi Dương, xã Hàm Ninh Phú Quốc.

Hơn 700 cán bộ lãnh đạo, giáo viên, học sinh và người dân địa phương đã tham gia diễu hành từ Uỷ ban Nhân dân xã Hàm Ninh đến cảng Hàm Ninh – một cảng biển du lịch và là cảng cá nổi tiếng tại Phú Quốc. Buổi diễu hành đã diễn ra sôi nổi với sự hưởng ứng nhiệt liệt của đông đảo người dân và khách du lịch trên đảo.

Ngay sau buổi diễu hành, gần 200 học sinh Trung học cơ sở là thành viên các Câu lạc bộ Bảo tồn Biển đến từ khắp đảo Phú Quốc gồm: Ghềnh Dầu, Bãi Thơm, Hàm Ninh, An Thới, Dương Đông 1 và Hòn Thơm, đã tham gia nhiều cuộc thi và hoạt động vui nhộn trong suốt một ngày tại bãi Dương, Hàm Ninh.

Ngoài diễu hành, các hoạt động chính của Ngày hội gồm: cuộc thi đắp mô hình Dugong trên cát, thi ảnh bảo vệ Dugong và bảo tồn Biển Phú Quốc và hội thi kiến thức bảo tồn biển. Học sinh các Câu lạc bộ đã đắp nhiều mô hình Dugong với kích thước thực trên cát biển. Các mô hình ngộ nghĩnh, sống động đã thể hiện hiểu biết sâu sắc của các em về loài sinh vật biển quý hiếm này. Mỗi câu lạc bộ cũng mang đến một bộ sưu tập từ 20 đến 60 ảnh do chính các em học sinh chụp trong suốt một năm qua về chủ đề bảo tồn biển Phú Quốc. Các bức ảnh đã thể hiện góc nhìn hồn nhiên, hiểu biết về giá trị cũng như các mối đe doạ đối với tài nguyên biển Phú Quốc. Hội thi Bảo tồn biển Phú Quốc với hình thức sáng tạo đã thu hút sự tham gia hào hứng của toàn bộ học sinh và đại biểu có mặt tại bãi biển. Hội thi cũng đã cho thấy hiểu biết tốt của học sinh về biển Phú Quốc. Rất nhiều giải thưởng đã được trao cho những tập thể Câu lạc bộ và cá nhân xuất sắc trong suốt Ngày hội.

Bà Đỗ Thị Thanh Huyền – Quản lý Giáo dục Bảo tồn – Tổ chức Bảo vệ Động vật hoang dã (WAR) cho biết: “Ngày hội Bảo vệ Dugong 2015 với nhiều hoạt động vui nhộn, sáng tạo đã trở thành một kỷ niệm đẹp, thôi thúc mọi người cùng nhau bảo vệ Dugong, bảo vệ Biển Phú Quốc. Chúng tôi mong đợi mỗi người hãy bắt đầu bằng một việc nhỏ để bảo vệ biển Phú Quốc nói riêng và biển Việt Nam nói chung, sao cho đến đời đời con cháu chúng ta biển vẫn là nguồn tài nguyên giá trị”.Toàn bộ đại biểu và học sinh cũng đã nghiêm túc cam kết bảo vệ Dugong và biển Phú Quốc bằng gắn miếng dán thành hình chú Dugong và rùa biển ngộ nghĩnh.Trước đó hai ngày, gần 100 học sinh trường THCS Hàm Ninh đã cùng nhau dọn sạch rác tại Bãi Dương nhằm trả lại vẻ đẹp tự nhiên cho vùng biển và chuẩn bị cho Ngày hội.

Đây là một hoạt động thuộc Dự án Bảo tồn Dugong và đa dạng sinh học khu vực Phú Quốc, Thổ Chu do Tổ chức WAR và Khu bảo tồn Biển Phú Quốc phối hợp thực hiện từ năm 2013 đến nay.

Tải thông cáo báo chí tại đây, xem thêm hình ảnh tại đây

Điện thoại

Đường dây nóng WAR: 0976.06.76.46

Văn phòng tổ chức WAR: 028 3899 7314

Thông báo với chúng tôi

Khi thấy động vật hoang dã quí hiếm ngoài thiên nhiên hoặc đang bị buôn bán, tiêu thụ trái phép

    [mfile wildlife-photo filetypes:jpg|jpeg|bmp|png|gif]

      [mfile wildlife-photo filetypes:jpg|jpeg|bmp|png|gif]

      Back To Top