Tiếp nhận 46 cá thể Động vật hoang dã bị vận chuyển trái phép

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 19 tháng 7 năm 2011 – Tổ chức Bảo vệ Động vật hoang dã (WAR) tiếp nhận một số lượng lớn cá thể kỳ đà và rùa các loại về Trạm cứu hộ Động vật hoang dã Củ Chi. Đây là đợt tiếp nhận thú lớn nhất của Tổ chức WAR tính từ đầu năm 2011 đến nay.

Ba mươi bảy cá thể Rùa núi vàng (Testudo elongata), 2 cá thể  Rùa đất lớn (Heosemys grandis), 1 cá thể Rùa răng (Hieremys annandalii) và 6 cá thể Kỳ đà vân  (Varanus bengalensis) ; với tổng trọng luợng lên tới 51,8 kg (trong đó có 38,1 kg rùa và 13,8 kg kỳ đà)  là kết quả của việc phát hiện và bắt giữ từ một vụ vận chuyển động vật hoang dã trái phép. Hiện nay vụ việc đang được các cơ quan có chức năng điều tra làm rõ.

Theo Sách Đỏ Việt Nam, Rùa đất lớn được xếp vào danh mục loài sẽ nguy cấp (VU), ba loài còn lại thuộc danh mục các loài nguy cấp (EN). Đây đều là những loài đang đứng truớc nguy cơ tuyệt chủng ngoài thiên nhiên trong một thời gian gần hoặc tương đối gần.

Hiện cán bộ WAR đang nỗ lực thực hiện công tác cứu hộ 46 cá thể này.

Cứu hộ thành công 12 cá thể Rùa biển

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 20 tháng 6 năm 2011 – Tổ chức Bảo vệ Động vật hoang dã (WAR) cứu hộ thành công 12 cá thể rùa biển tại Khu du lịch Văn hóa Suối tiên. Hoạt động có sự tham gia, phối kết hợp của Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ Nguồn lợi Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Chi cục Kiểm lâm Thành phố Hồ Chí Minh.

Các cá thể rùa biển được cứu hộ bao gồm 11 cá thể Đồi mồi (Eretmochelys imbricata) Và 1 cá thể Đồi mồi dứa (Chelonia mydas). Cả hai đều là loài nguy cấp đang bị đe doạ tuyệt chủng, được xếp vào bậc E (Endengered) theo Sách đỏ Việt Nam. Chúng cũng được IUCN và CITES xếp vào danh mục các loài nguy cấp và cấm khai thác.

Chúng được Khu du lịch Văn hóa Suối tiên sử dụng chúng với mục đích làm cảnh cho khách du lịch tham quan. Sau nhiều năm được các cơ quan chức năng vận động, Ban lãnh đạo Khu Du lịch Văn hóa Suối tiên đã đồng ý bàn giao các cá thể Rùa biển trên cho Trạm cứu hộ Động vật Hoang dã Củ Chi. Nhóm cán bộ WAR đã cứu hộ và vận chuyển an toàn 12 cá thể về Trạm.

12 cá thể rùa biển này sẽ được kiểm tra sức khỏe, chăm sóc và phục hồi chức năng tại Trạm trước khi được thả về thiên nhiên.  Bạn có thể thăm và hỗ trợ các cá thể rùa biển này này tại Trạm Cứu hộ Động vật hoang dã Củ Chi.

Wildlife At Risk và lực lượng Kiểm lâm cứu hộ Báo hoa mai

Sáng ngày 21 tháng Mười Một năm 2008, các chuyên gia bảo tồn của tổ chức Wildlife At Risk (WAR) và lực lượng kiểm lâm đã cứu thoát an toàn một con báo hoa mai Panthera pardus.

Các nhân viên từ Trạm Cứu hộ Động vật Hoang dã Củ Chi (CCWRS) đã phải đi hơn 200km đến thị trấn Vĩnh Long đến nơi con vật 35kg này đang được nuôi nhót. Người chủ con vật cho biết ông đã mua nó từ một kẻ buôn động vật hoang dã ở gần biên giới Cam-pu-chia khi nó còn non và đã nuôi con vật được 3 năm.

Sau vài giờ, con vật được gây mê đã được vận chuyển an toàn đến nơi ở mới – Trạm Cứu hộ Động vật Hoang dã Củ Chi, tại đây nó được chăm sóc trong gần hai năm qua.

Ngày 31 tháng Năm năm 2010, sau khi ngôi nhà mới của cô báo đã được hoàn thành tại Vườn Quốc gia Cát Tiên, tỉnh Đồng Nai, cô báo hoa mai cuối cùng cũng đã được chuyển đến nơi chăm sóc rộng hơn, với diện tích khoảng 150m2 với môi trường bán tự nhiên phù hợp cho nó.

Lucy, tên của cô báo, sẽ sống tại đây, không thể thả lại tự nhiên do thiếu hoàn toàn bản năng săn mồi, đã quen với người cũng như không có môi trường phù hợp cho nó.

Nếu muốn thấy Lucy, bạn có thể ghé thăm Vườn Quốc gia Cát tiên và nhân viên của Wildlife At Risk (WAR) sẽ tận tình hướng dẫn bạn tham quan khu vực cứu hộ.

Cứu hộ hai cá thể Vượn đen má vàng

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 25 tháng 3 năm 2011 – Đội cơ động Chi Cục Kiểm lâm Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Tổ chức Bảo vệ Động vật hoang dã (WAR) cứu hộ thành công một cá thể đực và một cá thể cái Vượn đen má vàng (Hylobates gabriellae) tại một trang trại ở quận 12.

Hai cá thể này có nguồn gốc từ rừng Campuchia, được tặng cho chủ nuôi cách đây hơn 20 năm. Kể từ đó, cuộc sống của hai cá thể này bị bó buộc trong không gian khá tù túng chưa đầy 6m2. Chúng thường được cho ăn cơm và thịt, thậm chí còn được cho uống bia, trong khi thức ăn chính của Vượn đen má vàng là trái cây, chồi cây, côn trùng, trứng chim. Do bị nuôi nhốt và chăm sóc không đúng cách, hai cá thể Vượn này bị suy dinh dưỡng trầm trọng và tiêu chảy kéo dài.

Sau khi nhận được tin báo, Đội cơ động Chi cục Kiểm lâm Thành phố đã làm việc với chủ nuôi và quyết định cứu hộ, bàn giao hai cá thể vượn cho Trạm cứu hộ Động vật Hoang dã Củ Chi. Nhóm cán bộ WAR đã cứu hộ và vận chuyển an toàn hai cá thể về Trạm.Anh Nguyễn Thành Thái – Bác sĩ thú y tại Trạm Cứu hộ Động vật hoang dã Củ Chi cho biết, hai cá thể Vượn này có tình trạng sức khoẻ kém nhất trong số tất cả các cá thể mà trạm đã cứu hộ từ trước đến nay. Có thể phải mất khá lâu chúng mới được hồi phục và trở lại tình trạng bình thường, sẵn sàng hoà nhập với cuộc sống hoang dã.

Hiện nay sức khoẻ 2 cá thể này đã được cải thiện đáng kể, chúng đang quen dần với môi trường sống tại Trạm Cứu hộ. Bạn có thể thăm và hỗ trợ hai cá thể Vượn đen má vàng này  tại Trạm Cứu hộ Động vật hoang dã Củ Chi.

Phát hành sách Rắn Biển Việt Nam

Rắn biển, một loài động vật hoang dã đang được khai thác trên nhiều vùng biển Việt Nam. Nhiều loài có nọc độc gây chết người và một số loài rất hiếm gặp hoặc mới được ghi nhận gần 1 loài khác.

Tháng 8-2016, WAR kết hợp với Viện Hải Dương Học Nha Trang xuất bản cuốn sách nhỏ về các loài rắn Viêt Nam và hy vọng sẽ giúp ích cho những ai quan tâm đến nhóm loài này có thêm thông tin cần thiết.

HÃY CÙNG CHÚNG TÔI BẢO VỆ SỰ ĐA DẠNG SINH HỌC VÀ GÌN GIỮ THIÊN NHIÊN HOANG DÃ. Nói không với các sản phẩm từ Động vật Hoang dã trái phép

Ba mươi con chim đã trở về thiên nhiên hoang dã

Ngày 7/6/2017, nhận được đề nghị giúp đỡ từ 1 cơ sở thiện tâm muốn thả động vật hoang dã về môi trường thiên nhiên, tổ chức Bảo vệ Động vật Hoang dã (WAR) đã hỗ trợ liên lạc với Trung tâm Cứu hộ – Vườn Quốc Gia U Minh Thượng và cử bác sỹ thú y cùng chuyên gia có kinh nghiệm đến hỗ trợ kỹ thuật cho Trung tâm trong công tác tiếp nhận chăm sóc, kiểm tra sức khỏe, xác định thành phần loài và vùng phân bố của chúng. Đây là 30 con chim nước thuộc các loài có sinh cảnh sống phù hợp với các vùng đất ngập nước trong vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Thả Cò Nhạn về Vườn quốc Gia – U Minh Thương – KiênGiang

Số lượng chim hoang dã được thả trong đợt này gồm có: 13 cá thể Cò Nhạn (Anastomus oscitans) quí hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam bậc R( hiếm), 3 cá thể Vịt trời (Anas poecilorhyncha) và 14 cá thể Bìm bịp (Centropus sinensis). Những cá thể này đã được bác sỹ thú y và chuyên gia của tổ chức WAR và Vườn Quốc gia kiểm tra đủ điều kiện sức khỏe để thả về thiên nhiên . Rừng ngập nước than bùn trong vùng đồng bằng sông Cửu Long là môi trường sống lý tưởng cho những cá thể chim nước tồn tại và phát triển, trong đó cò các loài thuộc họ Hạc (Ciconiidae). Việc bổ sung các cá thể Cò Nhạn vào quần thể đang bị suy giảm hiện nay góp phần tăng tính đa dạng trong nguồn gen của quần thể loài.

Vịt trời lại được tung tăng săn mồi trong môi trường hoang dã

Thả thành công 10 cá thể động vật hoang dã về rừng.

Ngày 13 tháng 4 năm 2017 – Tại Vườn quốc gia Lò Gò Xa Mát – tỉnh Tây Ninh, Tổ chức Bảo vệ Động vật Hoang dã (WAR) phối hợp với Chi cục Kiểm lâm Bình Dương thả thành công 10 cá thể động vật hoang dã gồm 4 cá thể Chồn bạc má  (Melogale personata), 4 cá thể Rắn ráo trâu (Ptyas mucosus), 2 cá thể Hổ hành (Xenopeltis unicolor), với tổng khối lượng hơn 8,0kg. Toàn bộ các cá thể trên đã được các nhân viên có nhiệt huyết, kinh nghiệm của Tổ chức WAR chăm sóc, cứu chữa trước  khi thả về rừng.

Phần lớn số động vật hoang dã được thả trong đợt này là do kiểm lâm và cảnh sát môi trường tỉnh Bình Dương tịch thu  từ việc mua bán động vật hoang dã  trái phép. Đây là lần đầu tiên Tổ chức WAR kết hợp với Chi cục kiểm lâm tỉnh Bình Dương trong việc cứu hộ và thả động vật hoang dã  trái phép về môi trường thiên nhiên hoang dã. Công việc này đạt được thành công nhờ sự hỗ trợ của chương trình Bảo tồn Đa dạng Sinh học của WAR và Viện Sinh Thái Tài Nguyên Sinh Vật (IEBR).

Phát hành sách về giáo dục bảo tồn Biển Côn Đảo


Quyển sách “Biển Côn Đảo của em” và “Giáo Dục bảo tổn biển Côn Đảo” đã được WAR xuất bản vào tháng 07/2016 bằng tiếng Việt, dưới sự hỗ trợ kinh phí của Tổ chức WAR.

Hiện sách đang được chuyển cho Vườn Quốc Gia Côn Đảo để phát miễn phí cho giáo viên và học sinh

Thả rùa biển quý hiếm về Khu Bảo Tồn Biển Hòn Cau – Bình Thuận

Ngày 3 tháng 3 năm 2017, Tổ chức Wildlife At Risk – WR đã phối hợp với Chi cục Quản lý Chất lượng và Bảo vệ Nguồn lợi Thủy sản Tp. Hồ Chí Minh thả 2 cá thể rùa biển, Eretmochelys imbricate, về Khu Bảo Tồn Biển Hòn Cau – Bình Thuận


Gắn thẻ theo dõi trước khi thả rùa biển về môi trường thiên nhiên hoang dã

Trước khi được thả, các cá thể rùa biển được bác sĩ thú y của WAR kiểm tra và sau đó gắn thẻ theo dõi. Nụ cười hạnh phúc xuất hiện trên khuôn mặt của các “chiến binh” bảo vệ động vật hoang dã . Hoạt động thả rùa về biển đã nhận được sự giúp đỡ tích cực của Ban Giám Đốc Khu Bảo Tồn Biển Hòn Cau.


Phút giây hạnh phúc trên biển Hòn Cau

Trong tháng 7 – 2016, WAR cũng thả về Khu bảo tồn biển Hòn Mun – Nha Trang hai cá thể Đồi mồi , Eretmochelys imbricate với sự hỗ trợ của cán bộ Khu bảo tồn biển


Tạm biệt và chúc may mắn cho những chú rùa biển

Di dời thành công đàn khỉ ở Tòa Thánh Tây Ninh

Tổ chức Bảo vệ Động vật Hoang dã WAR, nhận được đề nghị hỗ trợ từ Chi cục kiểm lâm tỉnh Tây Ninh về “việc di dời những cá thể khỉ đầu đàn gây nguy hại đến người dân quanh vùng  tại Tòa Thánh Tây Ninh và thả về môi trường thiên nhiên hoang dã”.

Trong ba ngày 26, 27 và 28/9/2016 Tổ chức WAR  đã bắt giữ và di dời 8 cá thể khỉ đuôi lợn (Macaca nemestrina) và đuôi dài (Macaca fascicularis)  . Đây là những cá thể khỉ đầu đàn đã từng cắn người tham quan du lịch và người dân quanh vùng. Hoạt động này đã nhận được sự hoan nghênh của người dân và sự đồng tình ủng hộ của các cơ quan ban ngành trong tỉnh

Điện thoại

Đường dây nóng WAR: 0976.06.76.46

Văn phòng tổ chức WAR: 028 3899 7314

Thông báo với chúng tôi

Khi thấy động vật hoang dã quí hiếm ngoài thiên nhiên hoặc đang bị buôn bán, tiêu thụ trái phép

    [mfile wildlife-photo filetypes:jpg|jpeg|bmp|png|gif]

      [mfile wildlife-photo filetypes:jpg|jpeg|bmp|png|gif]

      Back To Top