Rắn là một trong số những loài động vật hoang dã (ĐVHD) được sử dụng phổ biến nhất tại Việt Nam. Rất nhiều loài rắn quý hiếm bị đe doạ tuyệt chủng do bị săn bắt ngâm rượu hoặc làm thịt. Trạm Cứu hộ ĐVHD Củ Chi do Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã (WAR) và Chi Cục Kiểm lâm Thành phố Hồ Chí Minh quản lý, đã cứu hộ và thả về thiên nhiên hàng trăm cá thể rắn quý hiếm. Nhân dịp bước sang năm rắn, Ông Lê Xuân Lâm – Quản lý Trạm Cứu hộ ĐVHD Củ Chi chia sẻ một số thông tin thú vị về việc cứu hộ rắn.
Anh đã làm công tác cứu hộ tại Trạm Cứu hộ ĐVHD Củ Chi được bao lâu? Tôi đã làm tại đây được hơn 6 năm, từ những ngày đầu tiên khi Trạm bắt đầu được Tổ chức WAR xây dựng.
Ông Lê Xuân Lâm – Quản lý Trạm Cứu hộ ĐVHD Củ Chi và cá thể Rắn hổ ngựa khác lạ.
Một cá thể Rắn hổ mang chúa đang được thả về Vườn Quốc gia Cát Tiên
Được biết Trạm Cứu hộ ĐVHD Củ Chi đã cứu hộ và thả về thiên nhiên trên 3000 cá thể ĐVHD quí hiếm, vậy trong số đó có bao nhiêu rắn?
Chúng tôi đã cứu hộ và thả về thiên nhiên hàng trăm cá thể rắn. Riêng năm 2012, chúng tôi đã thả về thiên nhiên 78 cá thể rắn quí hiếm, thuộc 9 loài, trong đó có những loài cực kì quí hiếm như: Hổ mang chúa (Ophiophagus hannah), Rắn cạp nia (Bungarus candidus), Rắn hổ đất (Naja naja), Rắn hổ mèo (Naja kaothia)…
Những con rắn này được cứu hộ từ đâu?
Giống như phần lớn các loài ĐVHD quý hiếm được cứu hộ tại Trạm, đa số những con rắn này là tang vật của các vụ buôn bán, vận chuyển ĐVHD trái phép bị cơ quan kiểm lâm bắt giữ. Một số ít được người dân và một số chùa trên địa bàn TP.HCM tự nguyện bàn giao cho Trạm. Khi đến Trạm, đa phần rắn khá yếu, một số cá thể bị bệnh, bị may miệng, bị tróc vảy.
Sau khi được phục hồi sức khoẻ, phục hồi bản năng sinh tồn như ngoài thiên nhiên, những con rắn này được thả đi đâu?
Sau khi khi được cứu hộ, chúng tôi thường thả rắn về những khu rừng được bảo vệ nghiêm ngặt tại các vườn quốc gia hay khu bảo tồn thiên nhiên.
Con rắn nặng nhất mà anh đã cứu hộ? Đó là một cá thể Rắn hổ mang chúa, nặng 14kg do chùa Hoằng Pháp bàn giao vào đầu năm 2012. Con rắn dài nhất mà anh đã cứu hộ? Đó là cá thể Rắn Hổ mang chúa dài tới 5,2m. Đây là tang vật từ một vụ buôn bán trái phép.
Con rắn để lại ấn tượng lớn nhất với anh?
Tháng 12/2012, chúng tôi cứu hộ một cá thể Rắn hổ ngựa có toàn thân màu trắng rất khác lạ. Có thể đây là trường hợp đột biến gien vì bình thường rắn hổ ngựa có màu vàng nhạt.
Anh cho biết loài rắn đang gặp phải nguy cơ gì? Rắn thường bị cắt tiết hoặc lấy mật ngâm rượu và bị ăn thịt. Chính việc sử dụng này đã khiến nhiều loài rắn bị đe doạ tuyệt chủng.
Ngoài ra, môi trường sống của rắn bị xâm phạm, rắn phải tìm đến những nơi kín đáo, yên tĩnh khác như trong đền chùa, nhà dân, các bãi cỏ. Và do vậy chúng thường bị bắt giết, xua đuổi.
Anh nhắn nhủ gì với mọi người về việc bảo vệ rắn trong năm con rắn này?
Trong các dịp lễ tết, đặc biệt là tết nguyên đán, rắn cũng như các loài ĐVHD thường bị sử dụng nhiều nhất. Hy vọng chúng ta sẽ cùng nhau đón một năm rắn không làm hại đến loài rắn. Hãy cùng WAR bảo vệ các loài rắn quý hiếm trước khi quá muộn!
TP. Hồ Chí Minh, ngày 13 tháng 01 năm 2013 – Mười bảy ý tưởng trò chơi trên máy tính đã được trao giải tại Lễ trao giải cuộc thi cuộc thi Ý tưởng trò chơi trên máy tính “Tiếng gọi rừng xanh” do Tổ chức Bảo vệ Động vật hoang dã (WAR) phối hợp với báo Khăn Quàng Đỏ tổ chức. Bên cạnh việc biểu dương các ý tưởng xuất sắc, hoạt động còn nhằm nâng cao nhận thức của học sinh và công chúng với việc bảo vệ động vật hoang dã (ĐVHD).
Hơn 200 đại biểu, khách mời bao gồm các em thiếu nhi, các câu lạc bộ đội nhóm thuộc báo Khăn Quàng Đỏ, học sinh các trường Trung học cơ sở trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, Lãnh đạo và cán bộ Tổ chức WAR, Báo Khăn Quàng Đỏ, đại diện cơ quan Kiểm lâm, Sở Giáo dục và Đào tạo, các Phòng Gáo dục và Đào tạo, các cơ quan Thông tấn Báo chí và công chúng, đã tích cực tham gia và hưởng ứng Lễ trao giải.
Sau gần ba tháng phát động kể từ ngày 5 tháng 9 đến ngày 30 tháng 11 năm 2013, cuộc thi Ý tưởng Trò chơi trên máy tính với chủ đề Bảo vệ Động vật hoang dã quý hiếm đã thu hút sự tham gia của hơn 400 em học sinh từ 11 – 15 tuổi tại TP.Hồ Chí Minh.
Giải nhất cuộc thi đã thuộc về tác phẩm “Hiệp sỹ rừng xanh” của em Nguyễn Phương Anh, lớp 8/6, trường THCS Nguyễn Du, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh. Trong ý tưởng này, mỗi người chơi có nhiệm vụ nhận biết và nhanh tay loại bỏ các hành động tiêu cực đối với ĐVHD. Trò chơi không những giáo dục người chơi về những mối đe doạ đối với ĐVHD mà còn giúp định hướng những hành động tích cực nên làm để bảo vệ ĐVHD. Trò chơi Hiệp sỹ rừng xanh này cũng đã được dàn dựng và chơi tại Lễ trao giải cuộc thi.
Theo Bà Đỗ Thị Thanh Huyền – Quản lý Chương trình Giáo dục Bảo tồn – Tổ chức WAR: “Cuộc thi này tạo cơ hội cho các em thiếu thi học tập và hành động bảo vệ động vật hoang dã theo cách mà các em yêu thích và say mê, đó là trò chơi trên máy tính. Tổ chức WAR hy vọng khi được hoàn thiện, các trò chơi này sẽ được học sinh đón nhận và hưởng ứng rộng rãi, từ đó các em có hiểu biết tốt hơn về ĐVHD và sẵn sàng hành động bảo vệ thiên nhiên”.
“Dưới con mắt trẻ thơ hồn nhiên và đầy sáng tạo, thiên nhiên hoang dã đã được các em thiếu nhi thể hiện thật gần gũi và sinh động thông qua các ý tưởng trò chơi độc đáo. Nếu được thiết kế thành trò chơi trên máy tính, đó sẽ là những trò chơi hấp dẫn, lành mạnh và có tính giáo dục cao”. Ông Nguyễn Khắc Cường, Tổng Biên tập báo Khăn Quàng Đỏ chia sẻ.
Trong thời gian tới, các ý tưởng này sẽ được xem xét, chuyển thể thành trò chơi trên máy tính và đăng tải trên website của Tổ chức WAR. Các trò chơi này sẽ góp phần tạo ra một sân chơi lành mạnh cho các em thiếu nhi trong việc bảo vệ ĐVHD.
TP.Hồ Chí Minh, tháng 9 năm 2011 – Tổ chức Bảo vệ Động vật hoang dã (WAR) phối hợp với Báo Khăn Quàng Đỏ tổ chức cuộc thi vẽ tranh “Tiếng gọi Rừng xanh” cho trẻ em từ 11 đến 15 tuổi trên cả nước, trong thời gian từ ngày 5 tháng 9 đến ngày 30 tháng 11 năm 2012. Đây là hoạt động trong khuôn khổ chương trình Chung sức Bảo vệ Thiên nhiên năm 2012 do Tổ chức WAR và Báo Khăn Quàng Đỏ thực hiện.Với chủ đề “Bảo vệ Động vật hoang dã quí hiếm”, cuộc thi “Ý tưởng trò chơi trên máy tính”mang đến cho học sinh cơ hội thỏa sức sáng tạo trong việc thể hiện vẻ đẹp,
giá trị của các loài động vật hoang dã, cũng như mối nguy cơ de dọa đối với động vật hoang dã và những thông điệp kêu gọi hành động bảo vệ các loài động vật hoang dã quí hiếm. Bên cạnh đó, cuộc thi còn tạo cho thiếu nhi một sân chơi lành mạnh, hấp dẫn, phù hợp với nhu cầu học tập và sử dụng máy tính, mạng internet hiện nay. Bà Đỗ Thị Thanh Huyền, Quản lý Giáo dục bảo tồn, Tổ chức WAR cho biết: “Những tác phẩm xuất sắc nhất sẽ được Ban tổ chức cuộc thi xem xét lựa chọn để hoàn chỉnh và đăng tải trên website của Tổ chức WAR, nhằm mục đích giáo dục nâng cao nhận thức bảo vệ động vật hoang dã. Thông qua trò chơi, học sinh và công chúng thấy được vẻ đẹp, giá trị của động vật hoang dã; cũng như hiểu hơn mối đe dọa đối với những loài động vật này. Từ đó, thôi thúc trong mỗi người quyết tâm bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm khỏi nguy cơ tuyệt chủng.” Lễ trao giải cuộc thi dự kiến được tổ chức nhân dịp Lễ tổng kết hoạt động Chung sức bảo vệ thiên nhiên vào cuối tháng 12 năm 2012. Cũng trong Lễ tổng kết này, các bức tranh đoạt giải trong cuộc thi vẽ tranh Bảo vệ Tê giác một sừng và Động vật hoang dã quý hiếm “Báu vật rừng xanh”, do Tổ chức WAR và Báo Khăn Quàng Đỏ tổ chức năm 2011, cũng sẽ được trưng bày cho học sinh và công chúng tham quan.Thể lệ cuộc thi, thông tin về một số loài động vật hoang dã quí hiếm sẽ được đăng trên các số báo Khăn Quàng Đỏ ngay sau khi cuộc thi bắt đầu. Xin mời tải về Thể lệ Cuộc thi Vẽ tranh tại đây hoặc tại website www.muctim.com.vn
Ngày 6 tháng 9 năm 2012 – Tổ chức Bảo vệ Động vật hoang dã (WAR) phát hiện một đường dây buôn bán thịt Dugong và các loại động vật biển quý hiếm tại đảo Phú Quốc.
Trước đó vài ngày, Tổ chức WAR nhận được tin báo từ người dân trên đảo Phú Quốc về việc một con Dugong (Bò biển) nặng khoảng 100kg bị xẻ thịt và bán cho các nhà hàng. Ngay lập tức, Tổ chức WAR tiến hành điều tra và xác nhận tin báo trên là đúng sự thật.
Miếng thịt Dugong bị bán tại Phú Quốc, tháng 8 năm 2012
Miếng da Dugong bị bán tại Phú Quốc, tháng 8 năm 2012 Dugong khi bị đánh bắt ngoài biển sẽ bị xẻ thịt ngay trên tàu và bán cho một trung gian tên Bé, tại Thị trấn Dương Đông (người này trước đây từng buôn bán tại chợ Dương Đông). Sau đó thịt Dugong được trung gian này giao trực tiếp cho người mua hoặc các nhà hàng trên Đảo Phú Quốc. Giá 1kg thịt Dugong giao động từ 400.000đ đến 550.000đ. Hiện tượng này xảy ra khá thường xuyên trong những tháng gần đây. Không chỉ Dugong mà các loài rùa biển như Vích (con Mỏng) cũng thường xuyên bị đánh bắt và chào hàng tại các nhà hàng trên đảovới giá bán tay Vích khoảng 450.000đồng/kg và thịt Vích 200.000đồng/kg.
Dugong hay còn gọi là Bò Biển, Cá Cúi (Dugong dugon) là loài động vật có vú lớn, sống ở biển. Cá thể Dugong trưởng thành có thể dài 3m và nặng khoảng 450kg. Chúng ăn cỏ biển và các loài thực vật biển khác. Do di chuyển chậm chạp và thân hình to lớn, loài này hay dễ bị mắc vào lưới đánh cá của ngư dân. Dugong cũng bị săn bắt ráo riết lấy thịt, da làm thức ăn và răng làm thuốc chữa bệnh hoặc đồ trang sức.
Điều tra cũng cho biết thêm, trước đây, đường dây này hoạt động khá công khai. Nhưng từ khi các biện pháp bảo vệ Dugong và tài nguyên biển Phú Quốc được triển khai, đường dây này vẫn tiếp tục hoạt động nhưng kín đáo hơn. Tổ chức WAR đã gửi công văn đến các cơ quan chức năng trên đảo Phú Quốc yêu cầu xử lí đường dây buôn bán Dugong và các loài động vật biển có nguy cơ tuyệt chủng này. Trong thời gian tới, Tổ chức WAR cũng cam kết hỗ trợ công tác bảo tồn tài nguyên biển trên đảo Phú Quốc. Tổ chức WAR đặc biệt cảm ơn những người dân đảo Phú Quốc đã hợp tác với chúng tôi trong quá trình phát hiện đường dây buôn bán trái phép nói trên. Chúng tôi rất mong tiếp tục nhận được phản ảnh của người dân về các vi phạm liên quan đến động vật hoang dã, tại đường dây nóng: 0976 06 76 46.
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 24 tháng 7 năm 2012 – Một cá thể Tê tê Java (Manis javanica) nặng gần 300g đã chào đời tại Trạm cứu hộ Động vật hoang dã (ĐVHD) Củ Chi. Tê tê con có bộ vảy mềm và thường bám vào đuôi mẹ khi mẹ di chuyển. Cán bộ Tổ chức WAR tại Trạm Cứu hộ ĐVHD Củ Chi hiện đang chăm sóc rất cẩn thận cho cá thể con này, theo một chế độ đặc biêt. Cá thể tê tê con này hiện nay còn bú sữa mẹ. Trong khoảng 2-3 tháng tới, cá thể con này sẽ chuyển sang ăn trứng kiến và thôi không bám đuôi mẹ nữa.
Tê tê con mới chào đời bám đuôi Tê tê mẹ tại Trạm CHĐVHD Củ Chi Bố mẹ của cá thể tê tê con này đều được cứu hộ bởi Tổ chức WAR và Chi Cục Kiểm lâm TPHCM vào tháng 8 năm 2010. Cá thể bố bị mất chi trước phải và cá thể mẹ mất chi trước trái này đã được cứu hộ tại Trạm Cứu hộ ĐVHD Củ Chi từ đó đến nay và sẽ không bao giờ được thả về rừng. Tháng 3 năm 2012, hai cá thể tê tê này đã được ghép đôi khi thấy có biểu hiện của thời kỳ sinh sản. Sau 4 tháng mang thai, Tê tê mẹ đã cho ra đời cá thể tê tê con nói trên. Trong tự nhiên, mỗi lứa Tê tê chỉ sinh từ 1 đến 2 con. Với khả năng sinh sản thấp, mất nơi cư trú và bị săn bắt, buôn bán trái phép, số lượng Tê tê trong tự nhiên đã bị suy giảm nghiêm trọng. Hiện Tê tê là động vật có nguy cơ tuyệt chủng ở bậc nguy cấp theo Sách Đỏ Việt Nam. Ông Lê Xuân Lâm, Quản lý Trạm cứu hộ ĐVHD Củ Chi cho biết: “Đây là lần thứ 2 Tê tê Java được sinh ra tại Trạm cứu hộ ĐVHD Củ Chi. Cá thể tê tê con trước đã được thả về thiên nhiên. Sự thành công này là một phần của nỗ lực bảo tồn động vật hoang dã quý hiếm thông qua chương trình gây nuôi sinh sản mà Tổ chức WAR đang theo đuổi. Chúng tôi sẽ chăm sóc cẩn thận để cá thể Tê tê con này cũng sẽ được thả về thiên nhiên trong thời gian tới”.
Kiên Giang, ngày 27 tháng 7 năm 2012 – Tổ chức Bảo vệ Động vật hoang dã (WAR) phối hợp với Chi Cục Kiểm Lâm Tỉnh Kiên Giang và Liên hiệp Các Tổ chức Hữu Nghị tỉnh Kiên Giang tổ chức thành công Lễ Khánh thành Trạm cứu hộ Động vật hoang dã (ĐVHD) Hòn Me. Với tổng diện tích gần 3ha, thuộc huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang, Trạm cứu hộ ĐVHD Hòn Me ưu tiên cứu hộ các loài ĐVHD quý hiếm trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tại đây, các loài ĐVHD quý hiếm được cán bộ Tổ chức WAR chăm sóc sức khoẻ, phục hồi bản năng hoang dã và sẵn sàng trở về thiên nhiên.
Hơn 50 đại biểu tham gia Lễ Khánh thành Trạm Cứu hộ ĐVHD Hòn Me bao gồm cán bộ lãnh đạo Trung tâm Vùng Ba – Cục Kiểm Lâm Việt Nam, UBND Tỉnh Kiên Giang, Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Kiên Giang, Chi Cục Kiểm lâm Tp.Hồ Chí Minh, Chi Cục Kiểm lâm tỉnh Kiên Giang, Văn phòng Công ước về Buôn bán Quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) phía Nam, UBND huyện Hòn Đất – Kiên Giang, đại diện các Vườn Quốc gia Phú Quốc và U Minh Thượng, đại diện các sở, ban ngành liên quan trong tỉnh, cán bộ và lãnh đạo Tổ chức WAR, người dân địa phương và các cơ quan thông tấn báo chí. Tham gia Lễ Khai mạc còn có đại diện đơn vị tài trợ Công ty Dragon Capital và Chủ tịch sáng lập Tổ chức WAR – Ông Dominic Scriven.
Cắt băng khánh thành Trạm Cứu hộ ĐVHD Hòn Me
Trạm Cứu hộ ĐVHD Hòn Me thuộc hệ thống 3 Trạm cứu hộ ĐVHD do Tổ chức WAR quản lý gồm Trạm cứu hộ ĐVHD Củ Chi, Trạm cứu hộ Gấu và Thú họ Mèo Cát Tiên, và Trạm cứu hộ ĐVHD Hòn Me. Trạm cứu hộ này được thành lập từ dự án “Xây dựng Khu cứu hộ Gấu” do Tổ chức WAR, Quỹ Bảo tồn Gấu (Free The Bear) và Quỹ Brigitte Bardot thực hiện trong giai đoạn 2008-2010. Từ tháng 1/2011, Trạm chính thức mang tên “Trạm cứu hộ Động vật hoang dã Hòn Me”, do Tổ chức WAR trực tiếp quản lý trong sự phối hợp với Chi Cục Kiểm lâm tỉnh Kiên Giang .
Hiện tại Trạm Cứu hộ ĐVHD Hòn Me đang cứu hộ gần 50 cá thể ĐVHD quý hiếm thuộc 15 loài khác nhau như: Gấu ngựa (Ursus thibetanus), Gấu chó (Ursus malayanus), Vượn đen má vàng (Nomascus gabriellae), Khỉ đuôi lợn (Macaca arctoides), Culi nhỏ (Nycticebus pygmaeus), Tê tê Java (Manis javanica), Rùa đất (Heosemis grandis), Rùa núi vàng (Indotestudo elongata). Gần đây nhất, ngày 13 tháng 7, lần đầu tiên Trạm Cứu hộ ĐVHD Hòn Me tiếp nhận một cá thể Mèo rừng (Prionailurus bengalensis) do người dân địa phương tự nguyện giao nộp. Trong tương lai, Trạm sẽ tiếp nhận thêm các loài khác như rắn, rùa, thú ăn thịt nhỏ.
Ông Lê Thanh Bình, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Kiên Giang nhận định: “Hoạt động của Trạm cứu hộ ĐVHD Hòn Me đáp ứng nhu cầu cứu hộ ĐVHD cấp bách hiện nay của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và đi đúng quy hoạch bảo tồn hướng đến phát triển du lịch sinh thái và giáo dục bảo tồn của huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang. Chúng tôi cam kết đồng hành cùng Tổ chức WAR vận hành tốt Trạm cứu hộ ĐVHD Hòn Me nhằm bảo vệ các loài ĐVHD nguy cấp”.
“Việc phát triển cơ sở hạ tầng và đưa Trạm cứu hộ ĐVHD Hòn Me chính thức vào hoạt động là một trong những nỗ lực của Tổ chức WAR nhằm bảo vệ các loài động vật hoang dã quý hiếm khỏi nguy cơ tuyệt chủng. Sự hợp tác và ủng hộ quý báu của các Sở – Ban ngành chức trách liên quan có vai trò to lớn trong sự phát triển hoạt động của Trạm cứu hộ ĐVHD Hòn Me. Chúng tôi tin tưởng rằng với sự hợp tác này, công tác cứu hộ ĐVHD sẽ đạt được nhiều thành công trong thời gian tới”, Ông Dominic Scriven – Chủ tịch Sáng lập Tổ chức WAR khẳng định.
Tổ chức WAR trân trọng cám ơn và hy vọng tiếp tục nhận được sự hỗ trợ quý báu từ các Tổ chức, cá nhân đồng hành cùng Tổ chức WAR bảo vệ ĐVHD.
Xin mời tải thông cáo báo chí tại đây Xin mời xem một số hình ảnh về lễ khánh thành Trạm cứu hộ động vật hoang dã Hòn Me tại đây.
TP. Hồ Chí Minh, ngày 15/7/2012 – Gần 30 em thiếu nhi từ 11 đến 15 tuổi thuộc Câu lạc bộ (CLB) Em Yêu Thiên Nhiên và CLB Phóng viên Nhí – Báo Khăn Quàng Đỏ đã cùng vui chơi, học tập và khám phá thiên nhiên Khu dự trữ Sinh quyển Rừng ngập mặn Cần Giờ. Chuyến thăm quan giúp các em hiểu thêm vệ hệ sinh thái rừng ngập mặn, khích lệ tình yêu thiên nhiên và hướng các em tới hành động thân thiện hơn với thiên nhiên và bảo vệ động vật hoang dã. Đây là hoạt động trong khuôn khổ chương trình Chung sức Bảo vệ Thiên nhiên do Tổ chức WAR phối hợp với Báo Khăn Quàng Đỏ thực hiện.
Tìm hiểu các loài ốc trong rừng ngập mặn
Các em đã hăng hái tham gia nhiều hoạt động mới lạ như truy tìm các loài động thực vật rừng ngập mặn, lội rừng bắt ốc, thi nhặt quả Đước, chèo xuồng ngắm Dơi ngoài thiên nhiên và tìm hiểu quy trình nuôi sò huyết, cua. Đây là những trải nghiệm bổ ích và đáng nhớ với phần lớn các em. “Trước khi đến đây, em đã nghĩ mình sẽ không lội bùn vì sợ bẩn. Nhưng hôm nay em và các bạn đều rất thích và đã lội rất xa trong rừng Đước, bắt được nhiều loài ốc. Đây là một trải nghiệm rất đặc biệt, chúng em đã hiểu thêm nhiều điều về các loài động vật sinh sống trong rừng ngập mặn và giá trị của rừng ngập mặn” – một thành viên CLB Em Yêu Thiên Nhiên chia sẻ trong phiếu đánh giá chuyến đi.
Kết thúc chuyến tham quan, các em đã làm một món quà lưu niệm từ quả Đước và viết cam kết hành động bảo vệ thiên nhiên lên món quà lưu niệm cho mình và bạn bè, người thân này. Các em cũng đã cam kết sẽ hành động thân thiện hơn với Động vật hoang dã và kêu gọi mọi người xung quanh cùng bảo vệ động vật hoang dã.
Chuyến khám phá Thiên nhiên Khu dự trữ Sinh quyển Rừng ngập mặn Cần Giờ này cũng là cơ hội để các em có thêm tư liệu thực hành viết báo về Bảo vệ Thiên nhiên, kỹ năng đã được tập huấn bởi Tổ chức WAR và Báo Khăn Quàng Đỏ hồi đầu tháng 7 vừa qua.
Xin mời xem một số hình ảnh về Chuyến tham quan tại đây.
Quảng Ngãi, ngày 18 tháng 6 năm 2012 – Hơn 255 loài động thực vật đã được phát hiện lần đầu tiên trong khu rừng ở huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi, trong đó có 55 loài thực vật, hơn 200 loài động vật như: bướm, ngài, cá nước ngọt, động vật lưỡng cư, thằn lằn, rắn, kẹp kìm, xén tóc và một số loài côn trùng khác.
Đây là kết quả ban đầu của cuộc điều tra đa dạng sinh học do Tổ chức WAR thực hiện vào tháng 6 năm này. Đây là lần thứ hai Tổ chức WAR tiến hành khảo sát Đa dạng sinh học ở tỉnh Quảng Ngãi.
Rắn lệch đầu thâm (Dinodon sp. cf. septentrionalis) được ghi nhận từ Cao Bằng đến Huế, nay đã được tìm thấy ở tỉnh Quảng Ngãi.
Cóc mày đốm vàng (Leptobrachium xanthospilum) – chỉ được ghi nhận ở tỉnh Kontum, đã được phát hiện tại tỉnh Quảng Ngãi.
Tham gia cuộc khảo sát này gồm các chuyên gia trong nước và quốc tế của Tổ chức WAR. Nhóm khảo sát đã đi bộ một ngày, vượt qua nhiều đồi núi đến khu vực khảo sát trong rừng sâu và tiến hành nghiên cứu, thu mẫu trong vòng 15 ngày. Hiện nay, các chuyên gia đang tiếp tục phân tích mẫu. Kết quả cuối cùng của cuộc khảo sát sẽ sớm được công bố.
TP. Hồ Chí Minh, tháng 6/2012 – Hơn 210 cá thể thuộc 26 loài động vật hoang dã (ĐVHD) quý hiếm đã được cứu hộ trong 6 tháng đầu năm 2012 bởi Tổ chức Bảo vệ Động vật hoang dã (WAR), trong sự phối hợp với Chi Cục Kiểm lâm Thành phố Hồ Chí Minh, Chi Cục Kiểm Lâm tỉnh Kiên Giang, Vườn Quốc gia Lò Gò Xa Mát, Cát Tiên. Một số loài được cứu hộ như: Cá sấu xiêm, Gấu ngựa, Vượn đen má vàng, Cu li nhỏ, Rái cá, Mèo rừng, Hồng hoàng, Trĩ đỏ, Hổ mang chúa, Rùa biển và rùa cạn các loại… Phần lớn những cá thể này là tang vật của các vụ buôn bán, nuôi nhốt trái phép. Một số cá thể do người dân hoặc nhà chùa tự nguyện giao nộp.
Khi được đưa về trạm, đa số cá thể ĐVHD quý hiếm này đều ở tình trạng kiệt sức, hoặc thậm chí bị thương, cụt tay, cụt chân…Tại các Trạm Cứu hộ ĐVHD Củ Chi, Trạm Cứu hộ ĐVHD Hòn Me, Trạm Cứu hộ Gấu và Thú họ Mèo Cát Tiên, các cá thể ĐVHD này được kiểm tra sức khoẻ, chăm sóc và phục hồi bản năng hoang dã, sẵn sàng trở về thiên nhiên.
Cũng trong 6 tháng đầu năm, hơn 150 cá thể thuộc 14 loài ĐVHD quý hiếm như: Mèo rừng, Vượn đen má vàng, Hổ mang chúa, Rắn hổ đất, Rùa núi vàng, Rùa đất lớn … đã được Tổ chức WAR thả về thiên nhiên tại Vườn Quốc gia Cát Tiên, Lò Gò Xa Mát, Chư Mom Ray…
Theo ông Nguyễn Vũ Khôi, Giám đốc Tổ chức WAR “Số lượng ĐVHD đang bị buôn bán, tiêu thụ, nuôi nhốt trái phép là rất lớn so với số cá thể mà Tổ chức WAR đã cứu hộ và thả về thiên nhiên. Chúng tôi tin rằng nỗ lực nhỏ bé này đã góp phần trực tiếp vào việc bảo vệ ĐVHD quý hiếm.
Tổ chức WAR mong đợi nhận được sự hỗ trợ của mọi tổ chức, cá nhân để có thể cứu hộ thêm nhiều cá thể ĐVHD quý hiếm hơn nữa”. Để hỗ trợ Tổ chức WAR cứu hộ ĐVHD, người dân có thể thông báo với Tổ chức WAR khi thấy ĐVHD bị buôn bán tiêu thụ trái phép tại số điện thoại: 0976 06 76 46, hoặc email: info@wildlifeatrisk.org. Tổ chức WAR đánh giá cao và trân trọng cảm ơn các tổ chức, cá nhân đã tự nguyện giao nộp động vật hoang dã quý hiếm hoặc thông báo về việc nuôi nhốt tiêu thụ buôn bán ĐVHD trái phép trên địa bàn thành phố trong thời gian qua.
TP. Hồ Chí Minh, ngày 20 tháng 5 năm 2012– Hơn 25 học sinh từ 12-15 tuổi là thành viên Câu lạc bộ Em Yêu thiên nhiên – Báo Khăn Quàng Đỏ đã tiến hành thả cá bản địa về thiên nhiên và đến thăm, chăm sóc động vật hoang dã (ĐVHD) đang được cứu hộ tại Trạm Cứu hộ Động vật hoang dã Củ Chi. Đây là hoạt động Kỷ niệm ngày Đa dạng sinh học Thế giới 22 tháng 5 do Tổ chức Bảo vệ Động vật hoang dã (WAR) phối hợp với Báo Khăn Quàng Đỏ thực hiện.
Hơn 200 con cá Lòng tong đá (Rasbora paviana), cá Lia thia (Betta splendens) và cá Bã trầu (Trichopsis vittatus) đã được thả thả về rạch Cầu Đen – một phụ lưu của sông Sài Gòn ở Quận 2. Hoạt động này góp phần làm tăng sự đa dạng sinh học của thành phố thông qua việc khôi phục lại quần thể cá bản địa đang bị suy thoái. Những cá thể cá thả lần này được gây nuôi trong chương trình “Nhân giống và thả cá bản địa về thiên nhiên” của Tổ chức WAR, dưới sự tài trợ của Trung tâm Hỗ trợ phát triển cộng đồng LIN. Sau khi thả cá, các em đã đến thăm Trạm Cứu hộ Động
vật hoang dã Củ Chi và cùng cán bộ Tổ chức WAR chăm sóc các loài ĐVHD quí hiếm đang được cứu hộ tại đây. Chuẩn bị thức ăn và cho thú ăn giúp các em thấy mình đang đóng góp một phần nhỏ bé vào việc bảo vệ các loài quí hiếm. Những câu chuyện cảm động về nguồn gốc, số phận của từng loài được cứu hộ đã giúp các em hiểu rõ hơn về hiện trạng buôn bán, tiêu thụ trái phép ĐVHD. Các em đều cam kết sẽ tham gia bảo vệ ĐVHD dã và kêu gọi, thuyết phục mọi người xunh quanh cùng tham gia. Trước khi ra về, các em đã được tham gia nhiều trò chơi vui nhộn để hiểu thêm về các loài hoang dã và ý nghĩa của ngày Đa dạng Sinh học Thế giới 22 tháng 5.
Bà Đỗ Thị thanh Huyền – Quản lý Chương trình Giáo dục Bảo tồn, Tổ chức WAR chia sẻ: “Ngày hôm nay, mỗi bạn nhỏ đã thực sự hành động để bảo vệ động vật hoang dã, bảo vệ đa dạng sinh học Việt Nam. Chúng tôi hy vọng mọi người đều có những hành động thiết thực để bảo vệ động vật hoang dã, không chỉ nhân dịp Ngày Đa dạng Sinh học Thế giới mà tất cả các ngày trong năm”.
Hoạt động Kỷ niệm ngày Đa dạng sinh học thế giới 22 tháng 5 này là một trong những hoạt động đầu tiên của chương trình Chung sức Bảo vệ thiên nhiên năm 2012 của Tổ chức WAR và Báo Khăn Quàng Đỏ. Năm nay, chương trình này tập trung rèn luyện kỹ năng thuyết phục cộng đồng thực hiện hành động thân thiện với thiên nhiên và ĐVHD cho các em từ 12-15 tuổi. Khi thấy những người xung quanh thực hiện hành vi không thân thiện với thiên nhiên và ĐVHD, các em sẽ đến nói chuyện, giải thích và thuyết phục để người đó không lặp lại hành vi tiêu cực. Chương trình cũng bao gồm nhiều hoạt động hấp dẫn khác như: tham quan khám phá thiên nhiên, thăm trại gây nuôi động vật hoang dã, thi chụp ảnh, rèn kỹ năng viết bài và nhiều trò chơi bổ ích.
Điện thoại
Đường dây nóng WAR: 0976.06.76.46
Văn phòng tổ chức WAR: 028 3899 7314
Thông báo với chúng tôi
Khi thấy động vật hoang dã quí hiếm ngoài thiên nhiên hoặc đang bị buôn bán, tiêu thụ trái phép