Phát hiện một loài thằn lằn mới

Một loài thằn lằn thuộc giống Sphenomorphus đã được phát hiện và mô tả trong cuộc điều tra Đa dạng sinh học tại huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi vào tháng 5 và tháng 6 năm 2012. Loài này được đặt tên tiếng Việt là Thằn lằn phê-nô shea, tên tiếng Anh là Shea Forest Skink, và tên khoa học là Sphenomorphus sheai.

Tên loài được đặt theo tên của một nhà nghiên cứu người Úc, TS. Glenn Shea, người có nhiều đóng góp trong nghiên cứu về bò sát ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương.Loài thằn lằn này hiện mới chỉ được ghi nhận tại tỉnh Quảng Ngãi. Với loài mới này, Việt Nam hiện đã ghi nhận được tổng cộng 12 loài thằn lằn thuộc giống Sphenomorphus. Loài này được phát hiện bởi Nguyễn Quảng Trường – Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật và các chuyên gia của Tổ chức WAR. Vị trí khảo sát là khu vực chuyển tiếp gữa tỉnh Kon Tum và tỉnh Quảng Ngãi. Mẫu được thu ban ngày, giữa lớp lá rụng, trong khu vực rừng thứ sinh trên sườn đồi. 

Bài báo công bố về loài thằn lằn mới này vừa được đăng tải trên Tạp chí Zootaxa, New Zealand (số 3734, tháng 11 năm 2013). Xin mời liên lạc với Tổ chức WAR để có bài báo này.

Diễu hành bảo vệ Dugong

Phú Quốc, ngày 6 tháng 10 năm 2013 – Tổ chức Bảo vệ Động vật hoang dã (WAR) phối hợp với Khu Bảo tồn Biển Phú Quốc tổ chứcDiễu hành bảo vệ Dugong tại thị trấn Dương Đông, đảo Phú Quốc. Buổi diễu hành nhằm kêu gọi cán bộ lãnh đạo và công chúng tham gia bảo vệ Dugong, loài động vật biển quý hiếm đang trên bờ tuyệt chủng tại Việt Nam. Trước khi Diễu hành, một Lễ ra quân đã được tổ chức tại Nhà Văn hoá Phú Quốc nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ Dugon, đồng thời kêu gọi hành động bảo vệ Dugong và các loài động vật biển quý hiếm Phú Quốc. Tham gia Lễ Ra quân là hơn 400 đại biểu bao gồm cán bộ lãnh đạo các cơ quan ban ngành tại đảo Phú Quốc, Khu Bảo tồn Biển Phú Quốc, học sinh, người dân địa phương, du khách, lãnh đạo và cán bộ Tổ chức. Không quản trời mưa, gần 90 người dân địa phương và khách du lịch đã diễu hành bằng xe máy, mang theo thông điệp bảo vệ Dugong và động vật biển quý hiếm Phú Quốc đến khắp các tuyến đường chính tại thị trấn Dương Đông, ngay sau Lễ Ra quân.Tại Lễ ra quân, đại biểu đã cùng tìm hiểu về Dugong và hiện trạng nguy cấp của Dugong tại Việt Nam, đặc biệt là tại đảo Phú Quốc và cùng thảo luận về những hành động có thể làm để bảo vệ Dugong. Trước khi diễu hành, tất cả lãnh đạo, đại biểu, khách mời và học sinh đã cùng ký tên lên biểu ngữ và cờ diễu hành, nhằm cam kết bảo vệ Dugong và các loài động vật biển quý hiếm. Cuộc Diễu hành Bảo vệ Dugong này đã được ủng hộ và chỉ đạo chặt chẽ của cán bộ lãnh đạo các cơ quan ban ngành tại Phú Quốc và thu hút sự quan tâm của công chúng.

 Hoạt động này thuộc khuôn khổ dự án “Bảo tồn Dugong và Đa dạng sinh học khu vực Phú Quốc, Thổ Chu”, thực hiện bởi Tổ chức WAR và Khu Bảo tồn Biển Phú Quốc trong thời gian từ năm 2013 đến năm 2015. Dự án nhằm giáo dục trẻ em và người dân địa phương bảo vệ Dugong và các loài động vật biển quý hiếm, đồng thời cung cấp dữ liệu khoa học về đa dạng sinh học biển cho khu vực. Trong năm nay, dự kiến khoảng 2000 em học sinh và giáo viên trung học cơ sở được tìm hiể, hành động bảo vệ Dugong và các loài động vật biển quý hiếm thông qua chuỗi hoạt động giáo dục và truyền thông tại trường học như: Câu lac bộ Bảo tồn Biển, hội thi đố vui có thưởng, trò chơi và các hoạt động thực tế như nhặt rác trên bãi biển, nhà truyền thông nhỏ tuổi, tham quan học tập… Dự án cũng sẽ thực hiện một số hoạt động với ngư dân trên đảo. Một số khảo sát về hiện trạng khai thác, tiêu thụ Dugong và tài nguyên biển,  khảo sát rắn biển, khảo sát Dugong và đa dạng sinh học biển cũng đang được tiến hành. Kết quả của những khảo sát này sẽ sớm được Tổ chức WAR công bố.
 Tại Lễ ra quân, Ông Nguyễn Vũ Khôi, Giám đốc Tổ chức WAR nhấn mạnh: “Dự án Bảo tồn Dugong và Đa dạng sinh học khu vực Phú Quốc, Thổ Chu là một trong những nỗ lực của Tổ chức WAR nhằm bảo tồn Dugong và các tạo vật biển quý hiếm của đảo Phú Quốc. Sự quan tâm và hợp tác chặt chẽ của các cơ quan ban ngành cùng người dân đang sinh sống trên huyện đảo Phú Quốc là nhân tố quyết định sự thành công của dự án. Tổ chức WAR mong đợi mỗi người sẽ bắt tay hành động ngay để bảo vệ Dugong trước khi quá muộn. Bảo vệ Dugong và động vật biển quý hiếm là bảo vệ Phú Quốc của chúng ta.”  Xin mời xem thêm 1 số hình ảnh tại đây, toàn bộ thông cáo báo chí tại đây.

Lễ Khởi động Chươngtrình SOS nămhọc 2013 – 2014

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 26 tháng 9 năm 2013 – Tổ chức Bảo vệ Động vật hoang dã (WAR) phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo và Chi Cục Kiểm lâm TP. Hồ Chí Minh tổ chức Lễ Khởi động Chương trình SOS năm học 2013 – 2014 tại Trường Trung học cơ sở Đồng Khởi, Quận Tân Phú. Với chủ đề Voi châu á, Lễ Khởi động nhằm kêu gọi hành động bảo vệ Động vật hoang dã (ĐVHD) nói chung và loài Voi châu á nói riêng khỏi nguy cơ tuyệt chủng. Tham gia buổi Lễ là hơn 1200 đại biểu, khách mời bao gồm các Quan chức lãnh đạo Ngành Giáo dục và Chi Cục Kiểm lâm TP. Hồ Chí Minh, đại diện các phòng giáo dục đào tạo, ban giám hiệu các trường THCS trên địa bàn thành phố, giáo viên và học sinh Trường THCS Đồng Khởi, đại diện một số cơ quan chính phủ, phi chính phủ, lãnh sự quán, cán bộ Tổ chức WAR, sinh viên tình nguyện và các cơ quan thông tấn báo chí.

  Tại buổi Lễ, đại biểu và học sinh được giới thiệu Chương trình SOS năm học 2013-2014. Bên cạnh Lều Triển lãm lưu động SOS thực hiện từ tháng 12 năm 2011, Chương trình SOS năm nay có thêm 2 hợp phần mới là học sinh và giáo viên tham quan Trạm Cứu hộ ĐVHD Củ Chi và Tích hợp giáo dục bảo vệ ĐVHD vào môn Sinh học lớp 7. Hoạt cảnh “Bạn biết gì về Voi” tại buổi Lễ do nhóm sinh viên tình nguyện Triển lãm SOS và đại diện Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hoá Đồng Nai thể hiện đã cung cấp thông tin thú vị và những con số đáng báo động cảnh tỉnh về loài Voi châu á tại Việt Nam. Sau hoạt cảnh, toàn bộ đại biểu và học sinh đã góp sức hoàn thiện vách lều cuối cùng của Triển lãm SOS, chuẩn bị sẵn sàng tiếp đón học sinh năm học 2013-2014. Mỗi người một nét vẽ, bức tranh Đàn Voi rừng châu á ấn tượng, đầy màu sắc, diện tích gần 15 mét vuông đã được hoàn chỉnh và được sử dụng làm vách Lều Triển lãm SOS. Bằng việc tham gia hoàn thiện vách lều, toàn bộ đại biểu và học sinh đã cam kết “Nói KHÔNG với động vật hoang dã trái phép!” và “Chung sức bảo vệ kiệt tác Voi châu á!” Sau tuyên bố Khởi động chương trình SOS năm học 2013-2014 của Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo TP.Hồ Chí Minh, đại biểu và học sinh đã tham quan Lều Triển lãm SOS cùng với bức tranh vách lều mới hoàn thiện. Ông Nguyễn Hoài Chương, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đạo tạo TP. Hồ Chí Minh nhận định: “Triển lãm lưu động SOS triển khai từ cuối năm 2011 đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ đông đảo học sinh và giáo viên các trường THCS thuộc địa bàn thành phố. Với hiệu quả và ý nghĩa chương trình này, Sở Giáo dục và Đào tạo Tp.HCM cam kết cộng tác, hỗ trợ Tổ chức WAR và Chi cục Kiểm lâm triển khai thêm hoạt động Tham quan Trạm Cứu hộ ĐVHD Củ Chi và đưa nội dung giáo dục bảo vệ ĐVHD vào một số bài trong môn Sinh học lớp 7 nhằm tăng cường công tác giáo dục học sinh, bảo vệ ĐVHD khỏi tiêu thụ trái phép.”. Ông Nguyễn Vũ Khôi, Giám đốc Tổ chức WAR cho biết: “Thời gian qua, Tổ chức WAR đã phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết nhiều vụ việc vi phạm về ĐVHD do học sinh và người dân thông báo. Điều này cho thấy công tác Giáo dục bảo vệ ĐVHD khỏi tiêu thụ trái phép là hướng đi đúng đắn nhằm giảm thiểu hiện trạng tiêu thụ trái phép sản phẩm ĐVHD hiện nay. Tổ chức WAR hy vọng ngày càng nhận được sự quan tâm, hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan ban ngành trong việc giáo dục thế hệ trẻ bảo vệ ĐVHD, cũng như ngăn chặn, xử lý các vụ việc vi phạm về ĐVHD.” Năm học 2013-2014 này, dự kiến sẽ có khoảng  30.000 học sinh tại các quận Tân Phú, Tân Bình, Bình Tân và Gò Vấp được tham quan Triển lãm Lưu động SOS, 1000 học sinh và giáo viên tham quan Trạm Cứu hộ ĐVHD Củ Chi, và áp dụng tích hợp giáo dục bảo vệ ĐVHD vào một số bài trong môn sinh học lớp 7 cho toàn bộ học sinh quận Bình Thạnh và một số quận khác. 

Xin mời xem thêm một số hình ảnh về triển lãm tại đây, toàn bộ thong cáo báo chí tại đây. 

Thêm 7 cá thể rái cá mới sinh

Ba cá thể rái cá sinh tháng 7/2013 tại trạm Cứu Hộ ĐVHD Củ Chi

Trong quý này, bảy cá thể Rái cá vuốt bé (Aonyx cinerea) đã chào đời tại Trạm Cứu hộ ĐVHD Củ Chi vào tháng 7 và tháng 9 vừa qua. Tất cả bố mẹ của các cá thể rái cá này đều được ghép cặp tại Trạm. Bố của ba cá thể ra đời giữa tháng 9 về Trạm từ đầu năm 2012 do một người dân Tp.Hồ Chí Minh tự nguyện giao nộp. Cá thể mẹ được cứu hộ giữa tháng 10/2010 khi còn nhỏ, do Kiểm Lâm và Công An TpHCM giao nộp.

Bốn cá thể Rái cá vuốt bé còn lại đều ra đời từ giữa tháng 7 từ cùng một Rái cá bố. Trong đó 3 Rái cá con được sinh từ một mẹ Rái cá, cá thể còn lại được sinh bởi một Rái cá mẹ khác. Cá thể bố được Trạm tiếp nhận từ Chi Cục Kiểm lâm năm 2007 và hai cá thể mẹ được người dân Thành phố Hồ Chí Minh tự nguyện giao nộp về Trạm vào đầu năm 2011.

Sau khi sinh hai tuần, các con non mới mở mắt. Chúng bú sữa mẹ và ở trong ổ, không xuống nước. Khi được 1,5 – 2 tháng tuổi, rái cá con sẽ được bố mẹ tập ăn cá và bắt đầu tập bơi. Rái cá bố mẹ sống chung và cùng chăm sóc, bảo vệ các con con. 

Thêm Voọc bạc quý hiếm bị bắt giết

Tỉnh Kiên Giang, ngày 2 tháng 8 năm 2013 – Sáng nay, Tổ chức Bảo vệ Động vật hoang dã (WAR) hỗ trợ xác định tên và bảo quản xác 3 cá thể Voọc bạc (Trachypithecus villosus) là tang vật trong vụ săn bắt và giết động vật rừng quý hiếm tại Vườn Quốc gia Phú Quốc, nhằm phục vụ quá trình giám định chính thức và điều tra, xét xử.Vài ngày trước đó, lực lượng Kiểm lâm Vườn Quốc gia Phú Quốc đi tuần tra khu vực rừng Cây Thông thuộc địa phận Vườn Quốc gia Phú Quốc và đã bắt quả tang một nhóm săn trộm gồm 4 tên đang làm thịt 3 cá thể Voọc bạc quý hiếm. Hai tên săn trộm bị bắt tại chỗ, 2 tên còn lại đã trốn thoát. Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Phú Quốc đang phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra thêm về nhóm săn trộm này. 

Những hình ảnh sửng sốt này được chụp ngay tại hiện trường vụ săn bắt giết hại 3 cá thể Voọc bạc ở Vườn Quốc gia Phú Quốc.

Voọc bạc là động vật quý hiếm đặc hữu, chỉ có ở tỉnh Kiên Giang. Loài này có tên trong Sách Đỏ IUCN và bị đe doạ ở mức sẽ nguy cấp (VU) trong Sách Đỏ Việt Nam. Voọc bạc cũng có tên trong nhóm IB của nghị định 32/2006 NĐ- CP của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quí, hiếm. Theo nghị định này, các đối tượng thực hiện vụ săn bắt và giết hại 3 cá thể Voọc bạc nói trên sẽ bị truy tố trách nhiệm hình sự.Tổ chức WAR đề nghị sau khi xét xử, xác 03 cá thể Voọc bạc sẽ được tiêu hủy hoặc chuyển giao cho Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam lưu trữ làm mẫu loài cho khu vực Phú Quốc.

Ông Nguyễn Vũ Khôi, Giám đốc Tổ chức WAR cho biết: “Chúng tôi mong đợi các đối tượng săn trộm này sẽ bị xử lý nghiêm nhằm góp phần tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật liên quan đến bảo vệ động vật hoang dã. Chúng tôi cũng hy vọng mọi người dân sẽ cùng chung tay,góp sức trong việc bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm, bảo tồn thiên nhiên Việt Nam”.

Xin mời xem một số hình ảnh Voọc bạc tại đây.

MegaStar cùng WAR bảo vệ động vật hoang dã

Tp.Hồ Chí Minh, tháng 7 năm 2013 – Công ty Media MegaStar đã hỗ trợ các hoạt động cứu hộ động vật hoang dã (ĐVHD) của Tổ chức WAR và quảng bá công tác cứu hộ tới các khách hàng MegaStar. Quỹ Chương trình vì cộng đồng trích từ doanh thu bán xô đựng bắp rang bơ đi kèm bộ phim Epic công chiếu cuối tháng 5 vừa rồi đã được sử dụng nhằm hỗ trợ kinh phí xây dựng khu cứu hộ các loài chim hoang dã quý hiếm cũng như đặt tên cho Gấu, Vượn đen má vàng và Tê tê tại Trạm Cứu hộ ĐVHD Củ Chi.

Bà Mariam El Pacha – Giám đốc điều hành MegaStar trao tiền ủng hộ hoạt động cứu hộ ĐVHD của Tổ chức WAR

Vào ngày 20 tháng 7 vừa qua, MegaStar cũng đã tổ chức một chuyến tham quan Trạm Cứu hộ ĐVHD Củ Chi cho 20 cán bộ và khách hàng. Du khách lần đầu tiên được tận mắt xem và khám phá những câu chuyện xúc động về các loài ĐVHD đang được cứu hộ tại Trạm. Họ đã lặng đi khi biết Po- chú Gấu ngựa được MegaStar và khách hàng đặt tên đã bị mất một cánh tay và sẽ vĩnh viễn không được trở về rừng. Du khách cũng đã nhiệt tình giúp cán bộ Trạm chuẩn bị thức ăn và cho thú ăn. Qua đó, họ không những hiểu thêm về các loài ĐVHD, tầm quan trọng của việc bảo vệ ĐVHD mà còn hiểu được quy trình cứu hộ ĐVHD tại đây.

Du khách tìm hiểu về một loài rùa quý hiếm tại Trạm Cứu hộ ĐVHD Củ Chi Tham quan Phòng trưng bày Giáo dục về bảo vệ ĐVHD với nhiều hình ảnh, mẫu vật, thông tin sinh động, du khách hiểu rõ hơn về hiện trang buôn bán và tiêu thụ trái phép ĐVHD tại Việt Nam. Cuối chuyến tham quan, những chú chim hạc giấy được du khách khéo léo gấp và viết lên đó cam kết về những việc họ sẽ làm để bảo vệ ĐVHD. Chuyến tham quan là một trải nghiệm mới và thú vị với toàn bộ du khách; giúp họ thêm quyết tâm tham gia bảo vệ ĐVHD trong thời gian tới. Trước khi ra về, du khách đã ký cam kết không sử dụng sản phẩm ĐVHD trái phép nhằm bảo vệ thiên nhiên và ĐVHD Việt Nam.“Tôi và hai cháu rất hài lòng về chuyến tham quan thú vị hôm nay. Nhờ Tổ chức WAR, chúng tôi đã biết thêm nhiều hành động đơn giản mà thiết thực để góp phần bảo vệ các loài ĐVHD quý hiếm. Chúng tôi cam kết sẽ thực hiện những hành động này và vận động mọi người xung quanh cùng tham gia.”, chị Đinh Nguyễn Chu Thy – một khách hàng MegaStar chia sẻ. Tổ chức WAR chân thành cảm ơn sự đóng góp quý báu từ Công ty MegaStar cùng khách hàng!

Xin mời xem một số hình ảnh về chuyến tham quan Trạm Cứu hộ ĐVHD Củ Chi tại đây.

Cùng WAR Chuyển động mùa hè

Kiên Giang, ngày 28 tháng 6 năm 2013 –  Hôm nay, 24 sinh viên đến từ nhiều trường đại học khác nhau tại Thành Phố Hồ Chí Minh kết thúc đợt học tập, làm việc tại Khu Cứu hộ Động vật hoang dã Hòn Me. Đây là hoạt động trong khuôn khổ chương trình thường niên  “Chuyển động mùa hè” được Tổ chức bảo vệ Động vật hoang dã (WAR) khởi động lần đầu tiên vào năm nay.

Sinh viên sơn chuồng Rùa núi vàng tại Khu Cứu hộ ĐVHD Hòn Me
 
“Chuyển động mùa hè” là cơ hội để sinh viên được đến tham quan, học tập và làm việc miễn phí tại các Trạm Cứu hộ Động vật hoang dã do Tổ chức WAR quản lý. Chương trình dành cho những sinh viên yêu thiên nhiên, năng động, có nhiều đóng góp cho hoạt động bảo vệ động vật hoang dã (ĐVHD), đặc biệt là các hoạt
động cùng Tổ chức WAR. Tham gia Chuyển động mùa hè, các bạn trẻ được tìm hiểu về ĐVHD, các nghề liên quan đến bảo vệ ĐVHD, cũng như trải nghiệm và góp sức cho công tác cứu hộ ĐVHD tại Trạm Cứu hộ. 
Trong chương trình “Chuyển động mùa hè” lần đầu tiên tại Khu Cứu hộ ĐVHD Hòn Me rộng 3 hecta, sinh viên được quan sát, tìm hiểu đời sống và quy trình cứu hộ hơn 50 cá thể ĐVHD quý hiếm tại đây như: Gấu ngựa, Gấu chó, Vượn đen má vàng, Voọc bạc, Tê tê, Mèo rừng, các loài rắn, rùa và thú ăn thịt nhỏ. Các em đã tham gia chuẩn bị thức ăn và cho động vật ăn, vệ sinh và sơn chuồng, phát cỏ và trồng cây thức ăn cho các loài được cứu hộ. Nhóm sinh viên cũng đã kết hợp với cán bộ kiểm lâm địa phương phát tờ rơi tuyền truyền bảo vệ ĐVHD đến gần 500 hộ dân huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang.
 
Cũng trong chuyến đi dài 5 ngày 4 đêm này, sinh viên được tìm hiểu các nghề liên quan đến ĐVHD và thực hành một số kỹ năng cơ bản trong việc bảo vệ ĐVHD như: xem bò sát và thú đêm, sử dụng bẫy ảnh chụp thú ban đêm, chụp ảnh ĐVHD với thiết bị chuyên dụng và kỹ năng chụp ảnh. Chương trình cùng với các hoạt động bên lề như cuộc thi Thiết kế và biểu diễn thời trang “Tôi yêu động vật hoang dã” hay tham quan khu di tích lịch sử, trò chơi, giao lưu thanh niên địa phương đã khiến Chuyển động mùa hè trở thành một trong những chương trình đáng nhớ với sinh viên.
 
Bà Đỗ Thị Thanh Huyền, Quản lý Giáo dục Bảo tồn – Tổ chức WAR, nhận định: “Chuyển động mùa hè” là chương trình kết nối giới trẻ với công tác bảo vệ ĐVHD. Đây là cơ hội để các bạn học tập, làm việc và suy nghĩ nghiêm túc về việc bảo vệ ĐVHD. Tổ chức WAR mong đợi ngày càng nhiều bạn trẻ quyết định làm việc hoặc làm điều gì đó cho thiên nhiên và ĐVHD Việt Nam. Chúng tôi hy vọng chương trình “Chuyển động mùa hè” thường niên này sẽ nhận được ủng hộ nhiệt tình của các bạn trẻ và công chúng.
 
Xin mời xem thông cáo báo chí tại đây.
Một số hình ảnh về hoạt động xem tại đây.

Lần thứ hai phát hiện cá thể Sâu Nhung cho Việt Nam

Tháng 5 năm 2013 – Các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế thuộc Tổ chức Bảo vệ Động vật hoang dã (WAR) vừa công bố phát hiện một cá thể Sâu Nhung (Eoperipatus sp.) thuộc Ngành Giun móc (Peripatidae), tại vùng rừng thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Đây là lần thứ hai, Sâu Nhung được ghi nhận tại Việt Nam. Phát hiện này đã được công bố rộng rãi trên một số tạp chí quốc tế.

Cá thể Sâu Nhung được phát hiện tại Quảng Ngãi Năm 2010, loài Sâu Nhung này được ghi nhận lần đầu tiên tại Bàu Sấu, Vườn Quốc gia Cát Tiên và đã được công nhận là loài mới cho Việt Nam. Nhưng chỉ đến tháng 6/2012, trong đợt khảo sát đa dạng sinh học của Tổ chức WAR tại Quảng Ngãi, loài này mới được phát hiện lại. Cá thể Sâu Nhung thứ hai này được phát hiện dưới một khúc gỗ mục ở độ cao 1055m so với mặt nước biển tại khu vực rừng thường xanh thuộc ranh giới giữa tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum. Việc phát hiện ra cá thể Sâu Nhung này khẳng định mức độ đa dạng sinh học giàu có của khu hệ rừng thuộc Quảng Ngãi/Kon Tum. Trong thời gian tới, Tổ chức WAR sẽ tiếp tục công bố các kết quả khảo sát đa dạng sinh học thuộc khu vực này. Xin mời xem thông tin chi tiết về việc công bố phát hiện cá thể Sâu Nhung tại đây.

Bảo vệ động vật hoang dã qua trò chơi trên máy tính

TP. Hồ Chí Minh, ngày 22 tháng 05 năm 2013 – Nhân ngày Quốc tế về Đa dạng sinh học năm 2013, Tổ chức Bảo vệ Động vật hoang dã (WAR) và Báo Khăn Quàng Đỏ công bố hai trò chơi trên máy tính với nội dung kêu gọi bảo vệ động vật hoang dã, dành cho công chúng, đặc biệt là học sinh trung học cơ sở. Hai trò chơi “Hiệp sỹ rừng xanh” và “Nhìn hình đoán tên” này được xây dựng từ các ý tưởng đoạt giải của cuộc thi Ý tưởng trò chơi trên máy tính “Tiếng gọi rừng xanh” do Tổ chức WAR và Báo Khăn Quàng Đỏ tổ chức từ tháng 9 đến tháng 11 năm 2012.

Trò chơi “Hiệp sỹ rừng xanh” được xây dựng từ ý tưởng đoạt giải nhất của em Nguyễn Phương Anh, 14 tuổi, Trường THCS Nguyễn Du, Quận 1, TP Hồ Chí Minh. Trò c hơi này giúp người chơi nhận biết các mối đe doạ với động vật hoang dã cũng như những hành động nên thực hiện để bảo vệ chúng. Trong trò chơi này, người chơi cần nhanh tay loại bỏ những đồ vật là mối doạ đối với động vật hoang dã. Nhạc nền của trò chơi là bài hát “KHÔNG” – bài hát đoạt Kỷ lục Việt Nam về Dàn hợp xướng lớn nhất Việt Nam (chiến dịch “Góp môt tiếng nói để bảo vệ rừng”, năm 2010).
 
Hiệp sỹ rừng xanh Nhìn hình đoán tên
 
Trò chơi “Nhìn hình đoán tên” được xây dựng từ ý tưởng đoạt giải khuyến khích của em Nguyễn Đăng Khoa, 15 tuổi. Người chơi nhìn ảnh động vật hoang dã ngoài thiên nhiên và đoán xem đó là loài gì. Trò chơi này giúp người chơi nhận biết các loài động vật hoang dã khác nhau, từ đó thêm yêu động vật hoang dã, yêu thiên nhiên. Nhạc nền vui tươi giúp người chơi hình dung về một thế giới động vật hoang dã sống động, đa dạng và tươi đẹp.
Người chơi có thể chơi hai trò chơi này bằng tiếng Anh hoặc tiếng Việt, trực tiếp trên trang web của Tổ chức WAR tại link sau:
 
“Tổ chức WAR tin tưởng rằng trò chơi trên máy tính – hình thức giải trí yêu thích của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ là một cách hiệu quả kết nối giới trẻ với thế giới hoang dã. Các trò chơi này giúp người chơi được chơi mà học về động vật hoang dã, từ đó khích lệ tình yêu thiên nhiên và sẵn sàng hành động vì động vật hoang dã.” – Theo bà Đỗ Thị Thanh Huyền – Quản lý Chương trình Giáo dục Bảo tồn – Tổ chức WAR.
 
Trong thời gian tới một số ý tưởng trò chơi đoạt giải khác sẽ được tiếp tục xây dựng thành trò chơi trên máy tính và được công bố rộng rãi.
Xin mời xem thông cáo báo chí về việc công bố hai trò chơi này tại đây

Phát hành sách hình ảnh nhận dạng chim Việt Nam

Quyển sách “Giới thiệu một số loài Chim Việt Nam” của Tiến sĩ Lê Mạnh Hùng – Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật đã được xuất bản cuối tháng 10/2012 bằng tiếng Việt, dưới sự hỗ trợ một phần kinh phí  của Tổ chức WAR. Quyển sách nhận dạng các loài chim này giới thiệu hơn 50% các loài chim hoang dã Việt Nam bằng hình ảnh. Tài liệu này dành cho tất cả những người đam mê, muốn tìm hiểu và bảo vệ Thế giới chim hoang dã phong phú của Việt Nam.

 Tác giả và cuốn sách Giới thiệu một số loài chim Việt Nam

Cuốn sách dày 585 trang , giới thiệu 532 loài thuộc 90 họ chim hoang dã Việt Nam. Hơn 841 bức ảnh chụp chim ngoài thiên nhiên và 500 bản đồ phân bố, cùng với thông tin mô tả ngắn gọn giúp người đọc dễ dàng nhận dạng các loài chim hoang dã ngoài thiên nhiên.

Ảnh sử dụng trong sách được tác giả bắt đầu chụp từ năm 2006 trong hàng trăm chuyến đi thực địa xem chim,  tại nhiều sinh cảnh khác nhau của Việt Nam, từ đỉnh Phan-Xi-Păng (Vườn Quốc gia Hoàng Liên Sa Pa) đến đỉnh Chư Yang Sin (Vườn Quốc gia Chư Giang Xin), đến tận cùng phía nam của Việt Nam (Sân chim Cà Mau) và cả các đảo phía đông (Vườn Quốc gia Côn Đảo)…
Quyển sách được hoàn thành dựa trên sự góp ý của  nhiều chuyên gia  và các Tổ chức trong nước, quốc tế. Đặc biệt, quyển sách này, được Tổ chức WAR thiết kế bằng phần mềm nguồn mở trên hệ điều hành Linux Fedora 13, với bố cục chặt chẽ, thuận tiện cho việc tra cứu và sử dụng.

“Không chỉ bổ sung, cập nhật các thông tin khoa học về việc ghi nhận, vùng phân bố của các loài Chim hoang dã Việt Nam, quyển sách còn góp phần khích lệ tình yêu thiên nhiên và từng bước góp phần nâng cao nhận thức của công chúng về giá trị – tầm quan trọng của các loài động vật hoang dã nói chung và các loài chim nói riêng.”Tác giả chia sẻ.

Điện thoại

Đường dây nóng WAR: 0976.06.76.46

Văn phòng tổ chức WAR: 028 3899 7314

Thông báo với chúng tôi

Khi thấy động vật hoang dã quí hiếm ngoài thiên nhiên hoặc đang bị buôn bán, tiêu thụ trái phép

    [mfile wildlife-photo filetypes:jpg|jpeg|bmp|png|gif]

      [mfile wildlife-photo filetypes:jpg|jpeg|bmp|png|gif]

      Back To Top