Thả rắn hổ mang chúa về rừng

Ngày 14 tháng 4 năm 2012 – Hai cá thể rắn hổ mang chúa (Ophiophagus hannah), mỗi con nặng gần 10kg đã được Tổ chức Bảo vệ Động vật hoang dã (WAR) phối hợp Chi cục Kiểm lâm TP.Hồ Chí Minh thả thành công về Vườn Quốc gia Cát Tiên. Cũng trong đợt này, 1 cá thể Mèo rừng (Felis silvestris)  và 5 cá thể Rùa núi vàng (Indotestudo elongate) cũng được thả về thiên nhiên. Hoạt động có sự tham gia của sư trụ trì và một số tăng ni phật tử chùa Hoàng Pháp – huyện Hóc Môn, TP.HCM và các phóng viên kênh truyền hình La7- Ý.

Hai cá thể Rắn hổ mang chúa, được một người dân Tp.HCM mua và thả phóng sinh tại chùa Hoằng Pháp, sau đó được sư trụ trì chùa Hoằng pháp bàn giao lại cho Trạm cứu hộ ĐVHD Củ Chi gần một tháng trước. Đây là lần đầu tiên, nhà chùa phối hợp với Tổ chức WAR cứu hộ động vật hoang dã

.
 Trước khi thả động vật hoang dã về rừng-©WARRắn hổ mang chúa và mèo rừng là hai loài bị đe doạ tuyệt chủng ở mức nguy cấp, hiện còn rất ít ngoài tự nhiên do bị săn bắt và buôn bán trái phép. Rùa núi vàng cũng là loại bị đe dọa tuyệt chủng trong thời gian gần nếu không có biện pháp tích cực bảo vệ.  “Đây là lần đầu tiên, một chùa ở Tp.Hồ Chí Minh phối hợp cứu hộ và thả động vật hoang dã về rừng. Cá thể Mèo rừng cũng do một cá nhân tự nguyện giao nộp đến Trạm cứu hộ Động vật hoang dã Củ Chi. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho thấy ý thức ngày càng cao của công chúng về việc cứu hộ và thả động vật hoang dã quý hiếm về thiên nhiên.” Ông Lê Xuân Lâm, quản lý Trạm cứu hộ Động vật hoang dã Củ Chi chia sẻ. Tổ chức WAR đánh giá cao và trân trọng cám ơn sự hợp tác, đóng góp của các tập thể, cá nhân đã cùng WAR bảo vệ động vật hoang dã. Hồ Thị Kim Lan – Lê Xuân Lâm

Hợp tác thả hơn 80 cá thể rùa quý hiếm về thiên nhiên

Tháng 3 năm 2012 – Tổ chức Bảo vệ Động vật hoang dã (WAR) phối hợp với Trung tâm Cứu hộ Rùa Cúc Phương thả 83 cá thể Rùa núi vàng, Rùa đất lớn và Rùa hộp lưng đen về Vườn Quốc gia Lò Gò Xa Mát, tỉnh Tây Ninh. Những cá thể rùa quý hiếm này được cứu hộ tại Trung tâm Cứu hộ Rùa Cúc Phương, tỉnh Ninh Bình và được trung chuyển đến Trạm Cứu hộ Động vật Hoang dã Củ Chi nghỉ ngơi, phục hồi sức khoẻ trước khi trở về thiên nhiên.

Sau bốn ngày vận chuyển từ Trung tâm Cứu hộ Rùa Cúc Phương bằng tàu hoả, những các thể rùa này được kiểm tra sức khoẻ, đặc biệt kiểm tra mầm bệnh truyền nhiễm, cân đo kích thước trọng lượng, kiểm tra bản năng hoang dã và nghỉ ngơi phục hồi sức khoẻ. Sau 3 ngày nghỉ tại Củ Chi, toàn bộ 83 cá thể rùa này đã hồi phục sức khoẻ và được thả về thiên nhiên.

Vườn Quốc Gia Lò Gò Xa Mát cách Trung tâm Cứu hộ Rùa Cúc Phương gần 1600km nhưng vẫn được chọn làm nơi tái thả các loài rùa quí hiếm này bởi đây là môi trường sống phù hợp nhất của chúng.

“Đây là lần đầu tiên, Trạm Cứu hộ Động vật hoang dã Củ Chi phối hợp với Trung tâm Cứu hộ Rùa Cúc Phương cứu hộ các loài rùa quí hiếm này. Chúng tôi mong đợi được hợp tác với các Trạm Cứu hộ khắp cả nước trong việc cứu hộ động vật hoang dã”, Ông Lê Xuân Lâm – Quản lý Trạm Cứu hộ Động vật hoang dã Củ Chi chia sẻ.

Đỗ Huyền – Xuân Lâm

Thả thêm hơn 200 con cá bản địa về thiên nhiên

TP. Hồ Chí Minh, ngày 3 tháng 3 năm 2012 – Hơn 200 con cá Lòng tong đá (Rasbora paviana) và cá Lia thia (Betta splendens) đã được thả về rạnh Cầu Đỏ, thuộc quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là đợt thả cá bản địa lần thứ 5 của Tổ chức Bảo vệ Động vật hoang dã (WAR) nhằm góp phần phục hồi quần thể cá bản địa hiện có ngoài thiên nhiên và kêu gọi người dân sử dụng cá bản địa làm cảnh, phóng sinh. Những con cá bản địa này được gây nuôi trong chương trình “Nhân giống và thả cá bản địa về thiên nhiên” tại văn phòng Tổ chức WAR với sự hỗ trợ của Trung Tâm Hỗ trợ Phát Triển Cộng đồng (LIN). 

Tham gia thả cá là gần 20 sinh viên tình nguyện đến từ nhiều trường đại học khác nhau trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi thả cá, sinh viên cũng đã được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cá và nhận cá về nuôi.

Ông Bùi hữu Mạnh, Chuyên gia Bảo tồn – Tổ chức WAR cho biết: “Thời gian qua, một số người dân và học sinh ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã chủ động liên hệ với Tổ chức WAR xin tư vấn về việc nuôi cá cảnh nội địa và nhận cá giống về nuôi. Đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy sự quan tâm của công chúng đối với cá cảnh nội địa”.

Trong hơn 1 năm qua, hơn 750 cá thể cá Lia thia và Lòng tong đá đã được thả về các phụ lưu khác của sông Sài Gòn. Một số loài cá bản địa khác cũng đang được Tổ chức WAR nghiên cứu và nhân giống để thả về thiên nhiên trong thời gian tới. Tổ chức WAR sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật cho mọi cá nhân, tổ chức quan tâm đến việc gây nôi cá nội địa.  

Xin mời tải thông cáo báo chí tại đây.

Đạp xe đi thả cá bản địa về thiên nhiên

P. Hồ Chí Minh, ngày 18 tháng 12 năm 2011 – Hơn 20 thành viên Câu lạc bộ Đạp xe vì Môi trường (C4E) dưới sự hướng dẫn và hỗ trợ của Tổ chức WAR đã đạp xe đi thả cá bản địa về thiên nhiên. Hoạt động này nhằm kêu gọi người dân địa phương sử dụng các loài cá bản địa làm cảnh hoặc phóng sinh, đồng thời góp phần phục hồi quần thể cá bản địa hiện có ngoài thiên nhiên; hoạt động này cũng giúp nâng cao được nhận thức của cộng đồng về tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường. 

Xuất phát từ Công viên Tao Đàn, các thành viên Câu lạc bộ C4E đã đạp xe qua các con đường chính ở TP. Hồ Chí Minh đến tham quan khu gây nuôi cá bản địa tai Văn phòng Tổ chức WAR. Các thành viên C4E đã mang theo khẩu hiệu thu hút sự chú ý của công chúng về việc sử dụng các loài cá bản địa làm cảnh hay phóng sinh và cũng như bảo vệ môi trường. Hơn 250 con cá Lòng tong đá (Rasbora paviana) đã được  thả về rạch Cầu Đen – một phụ lưu của sông Sài Gòn ở Quận 2. Những cá thể cá Lòng tong đá này được gây nuôi trong chương trình “Nhân giống và thả cá bản địa về thiên nhiên” với sự hỗ trợ của Trung Tâm Hỗ trợ Phát Triển Cộng đồng (LIN). 

Lòng tong là nhóm cá khá phổ biến, có thể sống tại những khu vực có nước chảy mùa mưa và nước tù hãm mùa khô. Cá Lòng tong đá chịu được mức ô nhiễm khá cao. Đặc thù của loài này là ăn thức ăn rơi vãi và do vậy, chúng có thể dọn sạch các chất hữu cơ trong nước thải sinh hoạt.

Ông Bùi hữu Mạnh, Chuyên gia Bảo tồn – Tổ chức WAR cho biết: “Chúng ta nên dùng các loài cá nội địa để làm cảnh hoặc phóng sinh thay vì các loài cá nhập. Hành động này góp phần phục hồi quần thể cá bản địa. Chúng tôi rất vui mừng khi ngày càng có nhiều người dân Thành phố Hồ Chí Minh liên hệ với Tổ chức WAR để nhận các loài cá bản địa về nuôi làm cảnh”.

Trong năm qua, hơn 300 cá thể cá Lia thia cũng được thả về những phụ lưu khác của sông Sài Gòn. Một số loài cá nước ngọt bản địa khác cũng sẽ được thả về thiên nhiên trong thời gian tới. Tổ chức WAR sẵn sàng tư vấn và hỗ trợ mọi tập thể, cá nhân quan tâm đến việc gây nuôi và phóng sinh cá bản địa.

Xin mời tải thông cáo báo chí về hoạt động này tại đây và xem thêm ảnh tại đây.

Mười hai cá thể rùa biển được thả về môi trường tự nhiên

TP. Hồ Chí Minh, ngày 30 tháng 6 năm 2011 – Tổ chức Bảo vệ Động vật hoang dã (WAR) phối hợp với Chi cục Kiểm lâm Thành phố Hồ Chí Minh và Vườn Quốc gia Núi Chúa (tỉnh Bình Thuận) thực hiện thả thành công 12 cá thể rùa biển về Bãi Ngang, thuộc địa phận Vườn quốc gia Núi Chúa. Tham gia hoạt động còn có sự góp mặt của phóng viên các Báo, Đài truyền hình địa phương và Thành phố Hồ Chí Minh.

Các cá thể rùa biển được thả lần này bao gồm 11 Đồi mồi (Eretmochelys imbricata) và 01 Đồi mồi dứa (Chelonia mydas), là những cá thể đã được Tổ chức WAR phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành cứu hộ từ Khu du lịch Văn hóa Suối tiên ngày 20 tháng 6 năm 2011.

Những cá thể này đều trưởng thành và khỏe mạnh, nên chỉ trong thời gian ngắn chúng đã phục hồi và có thể trở về môi trường tự nhiên. Trạm cứu hộ Động vật hoang dã Củ Chi đã quyết định chọn địa điểm trên vì nơi đây có môi trường sống và nguồn thức ăn phù hợp cho rùa biển. Tại đây còn có Phòng Bảo tồn và Nghiên cứu rùa biển, bộ phận sẽ đảm trách công tác theo dõi và bảo tồn các cá thể rùa biển sau này.”, theo ông Lê Xuân Lâm, Quản lý Trạm cứu hộ Động vật Hoang dã Củ Chi.

Trước khi được thả, toàn bộ số rùa biển trên đã được các cơ quan chuyên môn đánh số để theo dõi quá trình sống của chúng trong môi trường tự nhiên.

Cá bản địa tiếp tục được thả về sông Sài Gòn

TP. Hồ Chí Minh, ngày 29 tháng 06 năm 2011 – Tổ chức Bảo vệ Động vật hoang dã (WAR) phối hợp Báo Khăn Quàng Đỏ tổ chức hoạt động Thả cá bản địa về sông Sài Gòn lần thứ 2. Hơn 100 cá thể cá Lia thia (Betta spp.) đã được thả về sông Bến Cát, phụ lưu của sông Sài Gòn. Hoạt động có sự tham gia của hơn 20 thành viên Câu lạc bộ Em Yêu Thiên Nhiên – độ tuổi từ 12 đến 15 – thuộc báo Khăn Quàng Đỏ, sinh viên tình nguyện và phóng viên tại TP. Hồ Chí Minh.

Thả cá bản địa về tự nhiên là hoạt động định kỳ trong chương trình “Nghiên cứu đặc tính sinh học, nhân giống và thả lại một số loài cá bản địa không kinh tế” của Tổ chức Bảo vệ Động vật hoang dã (WAR), thực hiện từ tháng 02 năm 2010 nhằm nâng cao nhận thức của cộng động về tầm quan trọng của việc bảo vệ các loài sinh vật bản địa và đóng góp trực tiếp vào công tác bảo tồn thiên nhiên. 

Ông Bùi Hữu Mạnh, Cán bộ Bảo tồn của Tổ chức WAR nhận định: “Sông Bến Cát lớn hơn so với rạch Cầu Sơn – môi trường thả lần thứ nhất. Địa điểm này được chọn nhằm mục đích tìm hiểu khả năng sống sót của của cá lia thia trên một sinh cảnh khác. Mức độ thành công của hoạt động này sẽ được đánh giá trong tương lai.

Ngoài cá lia thia, Tổ chức WAR cũng đang nghiên cứu nhân giống một số loài cá bản địa khác nhằm phục vụ cho mục đích tuơng tự, cũng như sử dụng các loài cá bản địa này trong hoạt động khuyến khích nuôi cá cảnh bản địa.

Người dân TP. Hồ Chí Minh  và học sinh quan tâm có thể liên hệ với Tổ chức WAR để được nhận cá bản địa về nuôi, hoặc được tư vấn những thông tin bổ ích liên quan đến việc phóng sinh và bảo tồn động vật hoang dã. 

Nhân giống và thả cá bản địa về thiên nhiên

Hơn 100 con cá Lia thia (Betta sp.) sinh ra trong chương trình Nhân giống và thả cá bản địa về thiên nhiên của Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã (WAR) đã được thả về khúc sông dưới Cầu Đỏ, một phụ lưu của sông Sài Gòn. Hoạt động thả cá được thực hiện bởi hơn 20 thành viên Câu lạc bộ Em Yêu thiên nhiên thuộc báo Khăn Quàng Đỏ, tuổi 12-15 và sinh viên tình nguyện tại Thành phố Hồ Chí Minh. 

Hiện nay, ô nhiễm nước đã khiến cho nhiều loài cá trong tự nhiên sụt giảm sản lượng. Các loài cá không có giá trị kinh tế ít được quan tâm và sự biến mất của chúng hầu như không được để ý. Điều này ảnh hưởng đến đa dạng nguồn gien cũng như gây xáo trộn, mất cân bằng hệ sinh thái.

Từ tháng 2 năm 2010, Tổ chức WAR tiến hành nghiên cứu đặc tính sinh học, nhân giống và thả lại một số loài cá bản địa không có giá trị kinh tế. Nhiều loài cũng có thể được sử dụng làm cá cảnh. Những loài cá hiện đang được nghiên cứu trong chương trình này gồm cá Lia thia (Betta spp.), cá Tam giác (Trigonostigma espei), cá Lòng tong đuôi đỏ (Rasbora borapetensis), cá Thanh ngọc (Trichopsis pumilla)…”. Những loài này được thu giống trong các chương trình khảo sát của WAR tại Lâm Đồng, Đồng Nai, Phú Quốc, U Minh Thượng.

Rất nhiều loài cá cảnh, cá phóng sinh đang được ưa chuộng ở Thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố lớn khác ở Việt nam là cá ngoại nhập. Sau một thời gian, các loài cá này được thả hoặc thoát ra ngoài thiên nhiên, trở thành loài ngoại lai và xâm chiếm môi trường sống của các loài cá nội địa. Tổ chức WAR khuyến khích sử dụng cá nội địa làm cá cảnh hoặc phóng sinh, do chúng không gây thay đổi sinh thái nếu thoát vào môi trường tự nhiên. 

Cá Lia thia phân bố ở khu vực miền Nam, thích nghi tốt với điều kiện nước tù hãm, hàm lượng ô-xy thấp do chúng có khả năng sử dụng ô-xy trong không khí. Chúng cũng có thể phát triển trong những môi trường mà nhiều loài cá khác không sống được. Lia thia là nhóm cá có tập tính săn mồi. Thức ăn của chúng là những sinh vật nhỏ, trong đó lăng quăng (ấu trùng muỗi) là thức ăn “khoái khẩu” của chúng. Trước đây, cá Lia thia khá phổ biến ở khu vực nội ngoại thành, Thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng do quá trình phát triển của thành phố, các thủy vực như ao, đầm, rạch… vốn là nơi sinh sống của loài này bị san lấp, thêm vào đó, nhiều nơi, nước bị ô nhiễm quá mức khiến loài này càng trở nên hiếm hoi trong điều kiện tự nhiên. 

“Những con cá Lia thia được WAR nhân giống và thả về thiên nhiên không những góp phần phục hồi quần thể cá Lia thia bản địa ở khu vực sông, rạch thuộc hệ thống sông Sài Gòn mà còn có tác dụng tiêu diệt ấu trùng các loài muỗi, trong đó có muỗi gây bệnh sốt xuất huyết hoặc các bệnh khác” – Theo ông Bùi Hữu Mạnh, Cán bộ Bảo tồn, Tổ chức WAR. 

Trước khi thả cá, các bạn thiếu niên cũng đã dọn sạch rác bên bờ sông. Hoạt động thả cá Lia thia về thiên nhiên giúp học sinh nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ các loài sinh vật bản địa, đồng thời định hướng để các em tham gia tích cực hơn trong việc bảo vệ môi trường bằng những hành động hàng ngày của mình. 

Trong thời gian tới, Tổ chức WAR sẽ tiếp tục chương trình nhân giống và thả thêm nhiều loài cá không có giá trị kinh tế nhưng là những loài nội địa, có tiềm năng trong ngành cá cảnh.

Một số hình ảnh của buổi thả cá có thể được xem tại đây.

Cứu hộ gần 500 cá thể động vật hoang dã quý hiếm và thả về thiên nhiên

Thành phố Hồ Chí Minh – Đêm qua, ngày 28/04/2014, Trạm Cứu hộ Động vật hoang dã Củ Chi tiếp nhận gần 500 cá thể động vật hoang dã (ĐVHD) gồm Trăn gấm (Python reticulatus), Trăn đất (Python molurus), Rắn hổ đất (Naja naja kaouthia), Kỳ đà núi (Varanus bengalensis nebulosus), Kỳ đà nước (Varanus salvator) cùng nhiều loài rắn, chim và thú nhỏ khác. Đây đều là các loài ĐVHD quý hiếm có tên trong Sách Đỏ hoặc trong Nghị định Nghị Định 32/2006 của Chính Phủ. Số ĐVHD này được Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an TP.HCM tịch thu từ vụ buôn bán trái phép diễn ra tại xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn,Thành phố HCM. Ngay khi tiếp nhận, nhóm cán bộ Tổ chức WAR đã làm việc đến đêm khuya nhằm đánh giá sức khỏe và phân loại toàn bộ số ĐVHD này.

  Sáng nay ngày 29/4/2014, 400 cá thể trong số này đã được Tổ chức WAR phối hợp với Chi Cục Kiểm lâm Tp.Hồ Chí Minh thả về thiên nhiên. Đây là những cá thể mạnh khỏe, có khả năng thích nghi nhanh trở lại với môi trường, bao gồm Rắn hổ vện, Rắn lục đuôi đỏ, Rắn hổ mây, Rắn hổ ngựa, Vịt trời, Chồn đèn và Sóc đất.

  Những cá thể còn lại sẽ tiếp tục được chăm sóc sức khỏe tại Trạm Cứu hộ ĐVHD Củ Chi và sẽ được thả về thiên nhiên trong thời gian tới. Từ khi Trạm Cứu hộ ĐVHD Củ Chi thành lập, đây là đợt tiếp nhận ĐVHD thu giữ từ các vụ buôn bán trái phép với số lượng lớn nhất, nâng tổng số số lượng cá thể ĐVHD được Trạm tiếp nhận và cứu hộ tính từ đầu năm 2014 đến nay lên gần 1000 cá thể. Tổ chức WAR đánh giá cao nỗ lực cứu hộ ĐVHD của các cơ quan chức năng và mong đợi nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa trong việc cứu hộ ĐVHD trong thời gian tới

Cứu hộ 35 cá thể rắn Hổ mang chúa quý hiếm

Ngày 1 tháng 11 năm 2013, Tổ chức WAR tiếp nhận 24 cá thể rắn Hổ mang chúa (Ophiophagus hannah) cân nặng tổng cộng gần 52 kg, từ Công an Thành phố Hồ Chí Minh. Hôm sau, ngày 2 tháng 11, Tổ chức WAR tiếp tục cứu hộ thêm 11 cá thể rắn Hổ mang chúa, cân nặng tổng cộng hơn 26kg, từ Công an huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Toàn bộ số rắn Hổ mang chúa này là tang vật của 2 vụ buôn bán trái phép tại Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Tây Ninh.

Trong khi chờ xét xử, các cá thể rắn Hổ mang chúa sẽ được chăm sóc sức khoẻ và phục hồi bản năng hoang dã tại Trạm Cứu hộ Động vật hoang dã Củ Chi. Sau đó, chúng có thể được thả về rừng.Do thức ăn chính của Rắn hổ mang chúa là các loại rắn nên tại Trạm, mỗi cá thể rắn Hổ mang chúa đều được chăm sóc trong một chuồng riêng. Số lượng lớn cá thể rắn Hổ mang chúa cứu hộ này là một thách thức với Trạm Cứu hộ Động vật hoang dã Củ Chi, với diện tích và số chuồng cứu hộ như hiện nay. Để đảm bảo việc cứu hộ số lượng rắn này, Trạm đang khẩn trương xây thêm một số khu chuồng Cứu hộ rắn. 

Tổ chức WAR xin trân trọng cảm ơn các cơ quan chính phủ, các tổ chức, cá nhân đã hỗ trợ, ủng hộ trong việc cứu hộ ĐVHD Việt Nam!

Cứu hộ Đồi mồi và Vích quý hiếm

Kiên Giang, ngày 31 tháng 7 năm 2013–Ba cá thể Rùa biển gồm một cá thể Đồi mồi (Testudo imbricata) trọng lượng 3 kg hai cá thể Vích (Chelonia mydas), tổng trọng lượng 20,5 kg đã được cứu hộ từ một nhà dân tại Thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.

Ba cá thê rùa biển được cứu hộTrước đó 2 ngày, Tổ chức WAR nhận được tin báo từ một người dân địa phương ở Thành phố Rạch Giá cho biết ba cá thể rùa biển đang được nuôi nhốt trái phép tại một hộ dân trên đường Lâm Quang Ky, Thành phố Rạch Giá.Tổ chức WAR đã đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Chi cục Kiểm lâm Tỉnh Kiên Giang tiến hành kiểm tra và xử lý vi phạm. Kết quả kiểm tra cho thấy những cá thể rùa biển này đã được nuôi nhốt trái phép trong 4 năm và sắp được đem bán. Sau khi được vận động và thuyết phục, chủ nuôi đã đồng ý giao nộp ba cá thể rùa biển này cho Tổ chức WAR cứu hộ. Hiện ba cá thể rùa biển đang được theo dõi, chăm sóc tại Khu cứu hộ Động vật hoang dã Hòn Me. Khi đã phục hồi sức khoẻ và bản năng hoang dã, chúng sẽ được thả về biển. Việt Nam có 5 loài rùa biển và cả 5 loài đều đứng trước nguy cơ tuyệt chủng do có giá trị kinh tế rất cao. Rùa biển thường bị săn bắt lấy thịt, làm cảnh, làm đồ trang trí. Cả hai loài Vích và Đồi mồi đều có tên trong Sách đỏ thế giới (IUCN) và Sách đỏ Việt Nam. Đây là những loài đặc biệt quý hiếm, bị nghiêm cấm săn bắt, khai thác, buôn bán.

Điện thoại

Đường dây nóng WAR: 0976.06.76.46

Văn phòng tổ chức WAR: 028 3899 7314

Thông báo với chúng tôi

Khi thấy động vật hoang dã quí hiếm ngoài thiên nhiên hoặc đang bị buôn bán, tiêu thụ trái phép

    [mfile wildlife-photo filetypes:jpg|jpeg|bmp|png|gif]

      [mfile wildlife-photo filetypes:jpg|jpeg|bmp|png|gif]

      Back To Top