Cứu hộ Tê tê quý hiếm

Tp.Hồ Chí Minh, ngày 13 tháng 11 năm 2015 – Tổ chức Bảo vệ Động vật hoang dã (WAR) phối hợp với Chi Cục Kiểm lâm Tp.Hồ Chí Minh và Cảnh sát Môi trường Quận 12, cứu hộ 4 cá thể Tê tê java (Manis javanica) gồm 2 đực và 2 cái với tổng trọng lượng 13.1kg. Cả bốn cá thể đều trong tình trạng sức khoẻ yếu, hai cá thể bị thương nặng ở chân, có thể do dính bẫy.

Rất may mắn, 4 cá thể Tê tê trên đã được lực lượng Cảnh sát môi trường Quận 12 phát hiện và chuyển giao kịp thời về Trạm cứu hộ ĐVHD Củ Chi, trước khi trở thành món ngon đặc sản của các quán thịt thú rừng hay trở thành vị thuốc quý như lời đồn thổi. Cả 4 cá thể Tê tê trên hiện đang được các bác sĩ thú y của Tổ chức WAR trị thương và phục hồi sức khỏe.

Tê tê là loài động vật quý hiếm bị đe doạ tuyệt chủng ở mức Nguy cấp (theo Sách Đỏ Việt Nam). Tại Việt Nam, Tê tê thường bị săn bắt lấy thịt, vảy làm thuốc. Mất rừng cũng là một trong những nguyên nhân khiến Tê tê bị đe doạ tuyệt chủng.

Hãy cẩn thận khi sử dụng các sản phẩm từ Tê tê vì bạn đang đang đẩy loài Tê tê đến bờ tuyệt chủng. 

Cứu hộ Gấu ngựa về Khu Cứu hộ Động vật hoang dã Hòn Me

Kiên Giang, tháng 10 năm 2015 – Tổ chức Bảo vệ Động vật hoang dã (WAR) phối hợp với Chi Cục Kiểm lâm tỉnh Kiên Giang và Chi Cục Kiểm lâm tỉnh Sóc Trăng tiếp nhận một cá thể Gấu ngựa (Ursus thibetanus) đực, nặng 150kg, mù hai mắt.

Cá thể Gấu ngựa này được một người dân tại Thị trấn Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng nuôi nhốt từ năm 2003 và được theo gõi gắn chíp từ năm 2005. Sau khi được vận động, người dân này đã bàn giao cá thể gấu cho Tổ chức (WAR).

Hiện nay, cá thể Gấu ngựa này đang được Tổ chức WAR theo dõi sức khoẻ và chăm sóc tại Khu Cứu hộ Động vật hoang dã Hòn Me, tỉnh Kiên Giang. Dự kiến cá thể này sẽ được nuôi bảo tồn suốt đời tại đây.   Gấu ngựa bị đe doạ tuyệt chủng ở mức Nguy cấp (EN) theo Sách Đỏ Việt Nam. Nạn săn bắt, nuôi nhốt gấu trái phép lấy mật và phá rừng mất nơi sinh sống khiến số lượng gấu ngoài thiên nhiên suy giảm mạnh.

Mật gấu không phải thần dược. Hãy sử dụng các loại thuốc thay thế cho mật gấu để bảo vệ Gấu khỏi tuyệt chủng.

Cứu hộ Tê tê java

Tp Hồ Chí Minh, ngày 13 tháng 08 năm 2015 – Trạm Cứu hộ Động vật hoang dã Củ Chi tiếp nhận 1 cá thể Tê tê Java cái, nặng khoảng 4kg. Cá thể này bị thương nặng phần gốc đuôi và mất chân trái phía trước. Cá thể này do một người dân ở Quận 2. Tp.Hồ Chí Minh giao nộp, nhờ sự hỗ trợ thông tin của Tổ chức Save Vietnam Wildlife.

Ngay khi đến Trạm, cá thể Tê tê đã được các bác sỹ thú y của Tổ chức WAR đã nhanh chóng kiểm tra, trị thương và phục hồi sức khoẻ.

Cá thể Tê tê này sẽ không bao giờ được thả về thiên nhiên, do mất một chân và do vậy không còn khả năng kiếm ăn ngoài thiên nhiên. Cô tê tê này sẽ được nuôi bảo tồn tại Trạm Cứu hộ ĐVHD Củ Chi.

Tê tê là động vật hoang dã quý hiếm đang bị đe dọa ở mức Nguy cấp (Theo Sách Đỏ Việt Nam). Chúng thường bị săn bắt để lấy thịt, vẩy làm thuốc. Hãy cùng WAR nói không với các sản phẩm từ Tê Tê để bảo vệ loài này trước nguy cơ tuyệt chủng!

Cứu hộ hơn 30 cá thể Tê tê và Rắn hổ mang chúa.

Tp.Hồ Chí Minh ngày 16 tháng 1 năm 2015 – Tổ chức Bảo vệ Động vật hoang dã (WAR) vừa tiếp nhận 30 cá thể Tê tê java (12 cá thể đực) (Manis Javanica), với tổng trọng lượng lên tới gần 130 kg.Trước đó 1 ngày, Tổ chức WAR cũng đã tiếp nhận 02 cá thể Rắn hổ mang chúa (Ophiophagus hannah). Đây là tang vật đang chờ xử lý do Cảnh sát môi trường và Chi Cục Kiểm lâm TP. Hồ Chí Minh tịch thu từ hai vụ buôn bán trái phép mới đây.

 Trong số 30 cá thể Tê tê có 03 cá thể bị thương, mất chi trước, chi sau và bị thương ở đuôi. Hiện số động vật hoang dã này đang được phục hồi sức khỏe tại Trạm Cứu hộ Động vật hoang dã Củ Chi.

 Việc cứu hộ một số lượng lớn cá thể Tê tê cùng lúc là một thách thức lớn cho Trạm Cứu hộ Động vật hoang dã Củ Chi. Thức ăn chính của Tê tê là chứng kiến, mỗi cá thể Tê tê có thể ăn tới 0.5kg chứng kiến mỗi ngày, trong khi nguồn cung cấp chứng kiến khá hạn chế và đắt đỏ.

Tê tê là động vật hoang dã quý hiếm bị đe dọa tuyệt chủng ở mức nguy cấp (EN) theo Sách Đỏ Việt Nam. Loài này thường bị săn bắt làm thịt, vảy làm thuốc. Rắn hổ mang chúa chỉ còn lại rất ít ngoài thiên nhiên do bị săn bắt lấy thịt. Chúng bị đe dọa tuyệt chủng ở mức cực kỳ nguy cấp (CR) theo Sách Đỏ Việt Nam.

Hãy cùng nói KHÔNG với các sản phẩm từ Rắn hổ mang chúa và Tê tê để bảo vệ các loài này khỏi nguy cơ tuyệt chủng!

Cứu hộ gần 500 cá thể chim cảnh

Tp.Hồ Chí Minh, ngày 08 tháng 09 năm 2014 – Tổ chức Bảo vệ Động vật hoang dã (WAR) tiếp nhận 470 cá thể chim cảnh, trong đó có 440 cá thể chim Sáo nâu (Acridotheres tristis)và 30 cá thể Vẹt ngực đỏ (Psittacala alexxamdri)Số chim cảnh này được Cảnh sát môi trường Tp.Hồ Chí Minh tịch thu từ một vụ buôn bán trái phép tại TP.Hồ Chí Minh.

Cán bộ Tổ chức WAR đang chăm sóc đàn Sáo nâu non

Toàn bộ số chim Sáo nâu đều là con non mới ra giàng, chưa hoàn toàn cứng cáp để trở về thiên nhiên. Chúng sẽ được chăm sóc, nuôi lớn và rèn luyện bản năng hoang dã tại Trạm Cứu hộ Động vật hoang dã Củ Chi. Đây là một thách thức lớn cho Trạm, do số lương chim non nhiều, mỗi con đều phải chăm sóc tỉ mỉ, cẩn thận từ khâu cho ăn đến vệ sinh. Các cá thể Vẹt ngực đỏ trưởng thành sẽ được thả về thiên nhiên sớm hơn, trong thời gian tới.

Sáo nâu là loài chim biết nói và Vẹt ngực đỏ với bộ lông đẹp sặc sỡ là hai loài chim thường bị săn bắt, buôn bán làm cảnh. Vì vậy, tuy không có tên trong Sách Đỏ Việt Nam, số lượng các loài này ngoài thiên nhiên đang suy giảm nhanh chóng.

Bạn hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi mua một con chim rừng làm cảnh. Rất có thể bạn đang đẩy loài đó đến bờ tuyệt chủng. 

Lần đầu tiên cứu hộ Gấu ngựa hoang dã mất chân do sập bẫy

Tháng 8 năm 2014 – Lần đầu tiên, Trạm Cứu hộ Động vật hoang dã Củ Chi cứu hộ một cá thể Gấu ngựa hoang dã con, bị đánh bẫy tại Vườn Quốc gia Chư Mom Ray, tỉnh Kon Tum. Đây là cá thể Gấu ngựa đực, khoảng 6 tháng tuổi, nặng 14 kg.

Gần một tháng trước, khi mới tiếp nhận từ VQG Chư Mom Ray, cá thể Gấu ngựa này bị mất chi trước trái và trong tình trạng nguy kịch. Các bác sĩ thú y của Tổ chức WAR đã nhanh chóng phẫu thuật, khâu vết thương, băng bó và chăm sóc tận tình.

Gấu ngựa con khi vừa cứu hộ (ảnh nhỏ) và sau khi cứu hộ gần 1 tháng

Những ngày đầu, Gấu con rất mệt, cực kỳ nhút nhát không thích tiếp xúc với người, chỉ ngồi trong một góc chuồng. Khi gặp người, Gấu con thường rất hung dữ. Mấy ngày đầu, do Gấu con bú mẹ ngoài thiên nhiên nên không biết uống sữa, và do không thể tiếp cận với Gấu, cán bộ cứu hộ phải cột muỗng sữa vào que tre rồi đổ từng thìa sữa cho Gấu ăn. Các hoạt động chăm sóc khác cũng khó khăn hơn nhiều so với Gấu được chuyển từ các trang trại về trạm.

Đến nay, sau gần một tháng điều trị tại Trạm Cứu hộ ĐVHD Củ Chi, vết thương của gấu con đã lành. Gấu cũng đã quen hơn với đời sống tại Trạm, có thể tự uống sữa và ăn một số trái cây mềm. Gấu ngựa con sẽ được nuôi bảo tồn tại Trạm Cứu hộ ĐVHD Củ Chi đến hết đời.

Hiện nay, Tổ chức WAR đang cứu hộ hơn 70 cá thể Gấu ngựa và Gấu chó tại Trạm Cứu hộ ĐVHD Củ Chi và Khu Cứu hộ ĐVHD Hòn Me. Cứu hộ gấu là một thách thức lớn tại Việt Nam hiện nay do không thể thả Gấu về thiên nhiên. Lý do là Gấu cứu hộ thường bị nuôi nhốt tại các trang trại một thời gian dài, chúng đã quá quen với việc được cho ăn và do vậy không thể tự kiếm ăn trong môi trường tự nhiên. Một số cá thể Gấu khi được thử nghiệm thả về thiên nhiên đã đi đến khu vực dân cư kiếm ăn và bị bắt lại. Một số khác bị đánh bẫy mất một phần cơ thể như cá thể gấu ngựa con nói trên và sẽ khó có khả năng tự tồn tại ngoài thiên nhiên.

Tổ chức WAR xin trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Vũ Ngọc Thành và Quỹ Bảo tồn Voọc (DLF) đã thông báo nhanh chóng và tham gia cứu hộ cá thể gấu ngựa này. Chúng tôi cũng mong đợi nhận được sự hỗ trợ, ủng hộ của các tổ chức cá nhân trong việc cứu hộ gấu. 

Thả rùa biển quý hiếm về Khu Bảo Tồn Biển Hòn Mun – Nha Trang

 Ngày 6 tháng 7 năm 2016, Tổ chức Wildlife At Risk đã phối hợp với Chi cục Quản lý Chất lượng và Bảo vệ Nguồn lợi Thủy sản Tp. Hồ Chí Minh thả 2 cá thể rùa biển,Eretmochelys imbricate, về Khu Bảo Tồn Biển Hòn Mun – Nha Trang.

Vận chuyển rùa lên tàu cao tôc của Khu Bảo Tồn Biển Hòn Mun

 Trước khi được thả, các cá thể rùa biển được bác sĩ thú y của WAR kiểm tra và sau đó gắn thẻ theo dõi. Hoạt động thả rùa về biển được sự phối hợp tích cực của Ban Giám Đốc Khu Bảo Tồn Biển Hòn Mun.

Thả rùa về biển

 Trong tháng 6 – 2016, WAR cũng thả về vùng biển của Vườn Quốc Gia Núi Chúa một cá thể Vích, Chelonia mydas, với sự hỗ trợ của cán bộ Vườn Quốc gia.

Thả thành công động vật hoang dã nguy cấp về rừng.

 Ngày 23 tháng 6 năm 2015 – Tổ chức Bảo vệ Động vật hoang dã (WAR) phối hợp với Chi Cục Kiểm lâm Tp.Hồ Chí Minh thả thành công 9 cá thể động vật hoang dã nguy cấp về VQG Tràm Chim, tỉnh Đồng Tháp. Đặc biệt lần thả này có 03 cá thể rái cá vuốt bé và 02 cá thể báo hoa mai được sinh ra từ Trạm cứu hộ Động vật Hoang dã Củ Chi​ trong hoạt động thử nghiệm gây nuôi sinh sản vì mục đích bảo tồn của Tổ chức WAR

Thả thành công 43 cá thể động vật hoang dã quý hiếm về rừng.

 Ngày 4 tháng 9 năm 2014 – Tại khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai tỉnh Đồng Nai, Tổ chức Bảo vệ Động vật hoang dã (WAR) phối hợp với Chi cục Kiểm lâm Thành phố Hồ Chí Minh thả thành công 43 cá thể động vật hoang dã quý hiếm gồm 7 cá thể Mèo rừng (Prionailurus bengalensis), 4 cá thể Rắn ráo trâu (Ptyas mucosus), 1 cá thể Kỳ đà vân (Varanus salvator), 9 cá thể Rùa đất lớn (Heosemys grandis), 18 cá thể Rùa núi vàng (Indotestudo elongata) 2 cá thể Trăn đất (Python molusus) và 2 cá thể Rắn hổ bành (Xenopeltis unicolor), với tổng khối lượng hơn 80kg. Toàn bộ các cá thể trên đã được cứu hộ tại Trạm cứu hộ Động vật hoang dã Củ Chi trước khi được thả về rừng. 

Thả Mèo rừng về thiên nhiên.

Phần lớn số động vật hoang dã được thả trong đợt này là do kiểm lâm và cảnh sát môi trường tịch thu từ việc nuôi nhốt, mua bán và săn bắt trái phép, hoặc do người dân tự nguyện giao nộp. Số lượng các loài động vật hoang dã trên đang bị suy giảm rất nhanh ngoài thiên nhiên. Đặc biệt, Trăn đất thuộc nhóm CR (rất nguy cấp), Rắn ráo trâu và Rùa Núi vàng thuộc nhóm EN (nguy cấp), và Rùa đất lớn thuộc nhóm VU (sẽ nguy cấp), trong Sách Đỏ Việt Nam (2007). Các loài này đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng nếu không có biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt.

Thả hơn 400 động vật hoang dã về thiên nhiên

Tp.Hồ Chí Minh, ngày 18 tháng 4 năm 2014 – Tổ chức Bảo vệ Động vật hoang dã (WAR) phối hợp với Chi Cục Kiểm lâm Tp.Hồ Chí Minh thả về thiên nhiên hơn 300 cá thể chim Cu ngói (Streptopelia tranquebarica), 120 cá thể Tắc kè (Gekko gecko) và 13 cá thể chim Le nâu (Dendrocygna javanica).

Thả Chim Cu ngói về thiên nhiên

Số động vật hoang dã này được Trạm Cứu hộ Động vật hoang dã Củ Chi tiếp nhận từ Cảnh sát môi trường Tp.Hồ Chí Minh vài ngày trước đó. Kết quả đánh giá và kiểm tra sức khỏe cho thấy những cá thể này đủ điều kiện để có thể trở về tự nhiên.

Tại Trạm Cứu hộ ĐVHD Củ Chi, rất nhiều trường hợp ĐVHD được cứu hộ và thả về thiên nhiên chỉ sau vài ngày ở Trạm. Đó thường là những cá thể thuộc các loài chim, bò sát. Việc thả về thiên nhiên ngay sau vài ngày tiếp nhận nhằm giảm tối đa thời gian nuôi nhốt, giúp những cá thể này nhanh chóng thích nghi lại với môi trường hoang dã.

Trong số 3 loài được thả lần này, chỉ có Tắc kè có tên trong Sách Đỏ Việt Nam. Cu ngói và Le nâu tuy không có tên trong Sách đỏ Việt Nam nhưng là những loài thường bị săn bắt lấy thịt và số lượng ngoài thiên nhiên đang sụt giảm nhanh chóng. Tổ chức WAR khuyến cáo không ăn thịt ĐVHD trái phép để bảo vệ chúng khỏi nguy cơ tuyệt chủng.

Điện thoại

Đường dây nóng WAR: 0976.06.76.46

Văn phòng tổ chức WAR: 028 3899 7314

Thông báo với chúng tôi

Khi thấy động vật hoang dã quí hiếm ngoài thiên nhiên hoặc đang bị buôn bán, tiêu thụ trái phép

    [mfile wildlife-photo filetypes:jpg|jpeg|bmp|png|gif]

      [mfile wildlife-photo filetypes:jpg|jpeg|bmp|png|gif]

      Back To Top