Phú Quốc là hòn đảo lớn nhất Việt Nam, là môi trường sống hoang dã có giá trị và chưa bị xáo trộn. Phú Quốc thuộc vịnh Thái Lan và một phần tỉnh Kiên Giang, có mùa mưa từ tháng 5 đến cuối tháng 11, nhanh chóng trở thành điểm đến của khách du lịch trong và ngoài nước. Điều này cũng có nghĩa là công tác bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên của nhiều loài động thực vật quí hiếm càng ngày càng gặp nhiều thách thức. Tổ chức WAR bắt đầu các hoạt động điều tra đa dạng sinh học tại đảo Phú Quốc từ năm 2006.
Mục đích của chương trình là góp phần bảo tồn thiên nhiên đảo Phú Quốc bằng cách tìm hiểu hiện trạng đa dạng sinh học và từ đó đề xuất giải pháp phát triển và bảo tồn các loài nguy cấp. Vườn quốc gia Phú Quốc là đối tác chính của Tổ chức WAR trong dự án này.
Vườn Quốc gia Phú Quốc được thành lập đầu năm 2001, chuyển hạng từ Khu Bảo tồn Thiên nhiên Phú Quốc. Vườn nằm phía Bắc đảo Phú Quốc và chiếm diện tích 31.422ha. Địa hình Vườn Quốc gia Phú Quốc giảm dần độ cao từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây.
Cán bộ Tổ chức WAR, phối hợp với cán bộ Vườn và các nhà khoa học các Viện khám phá và ghi nhận các loài động thực vật trên đảo. Mọi thông tin về các đợt khảo sát này đều được cập nhật trên website của Tổ chức WAR và các kênh thông tin đại chúng. Các loài đã được khảo sát bao gồm: Cá nước ngọt, Chim, Bò sát ếch nhái, Dơi, Chuồn chuồn kim, Chuồn chuồn, Bướm, Phong Lan.
Các hoạt động chính của Tổ chức WAR tại Đảo Phú Quốc
Khảo sát động thực vật ở Phú Quốc
Đây là một phần trong giai đoạn đầu của chương trình bảo tồn. Tổ chức WAR tổ chức các cuộc khảo sát với sự tham gia của nhiều chuyên gia bảo tồn. Một số cuộc khảo sát đã được tiến hành gồm: lan hoang dã, bò sát, dơi, linh trưởng, bướm, cá nước ngọt và chim. Bên cạnh đó, Tổ chức WAR còn xuất bản sách hướng dẫn thực địa bằng hình ảnh hoặc tranh vẽ nhằm hỗ trợ cán bộ kiểm lâm trong hoạt động tuần tra và kết hợp phát triển các dịch vụ du lịch sinh thái.
Cuộc khảo sát gần đây ghi nhận hơn 170 loài bướm, cho thấy độ đa dạng loài ở Đảo cao hơn dự đoán rất nhiều. Hơn 55 loài chuồn chuồn và chuồn chuồn kim được ghi nhận.
Tổ chức WAR cũng phối hợp với cán bộ lãnh đạo Đảo Phú Quốc nhằm giảm tác động của du lịch đến tài nguyên thiên nhiên. Chương trình nuôi bướm thí điểm khởi động tại Khu Du lịch Eo Xoài, là một phần của chương trình bảo tồn thông qua phát triển sinh kế cho người dân địa phương. Các kế hoạch khác bao gồm xuất bản sách hướng dẫn nhận dạng các loài thực vật bị đe dọa và thành lập ngân hàng hạt giống. Những cuộc khảo sát thực vật sơ bộ ở Phú Quốc đã cung cấp nhiều kết quả bất ngờ với rất nhiều loài lan hoang dã bị đe dọa.
Giới thiệu và hỗ trợ các mô hình phát triển bền vững
Bao gồm mô hình nuôi cua biển bền vững, Vườn Bướm và Vườn lan hoang dã.
Tập huấn và hỗ trợ cán bộ Vườn Quốc gia Phú Quốc
Bao gồm đào tạo du lịch sinh thái cho cán bộ vườn và các cơ quan liên quan, tập huấn phương pháp điều tra khảo sát động thực vật hoang dã và công bố kết quả khảo sát cho cộng đồng.
Phục hồi loài Dầu lông (Dipterocarpus intricatus) quí hiếm
Thực hiện chương trình thử nghiệm tái sinh loài này bằng cách sưu tầm hạt, xây dựng vườn ươm, gieo hạt và trồng cây giống ngoài tự nhiên.
Giáo dục bảo tồn và nâng cao nhận thực cộng đồng
Tổ chức WAR hỗ trợ tập huấn giáo viên, tập huấn cán bộ Vườn và thành lập các câu lạc bộ xanh cho học sinh Trung học Cơ Sở tại đảo Phú Quốc. Một chương trình tham quan rừng hấp dẫn, mới lạ cũng được xây dựng nhằm tạo cơ hội cho học sinh được khám phá thiên nhiên, học tập trong thiên nhiên. Các cuộc thi vẽ tranh và sự kiện truyền thông nhân các ngày đặc biệt cũng được tổ chức với đông đảo học sinh và người dân đảo Phú Quốc.
-
Quản lý dự án Phú Quốc, nhấn vào Liên hệ.
-
Các hình ảnh về dự án Phú Quốc, nhấn vào Hình ảnh Dự án PQ
-
Sách và các ấn phẩm của dự án Phú Quốc, nhấn vào Thư viện PQ
-
Báo cáo kỹ thuật dự án Phú Quốc, nhấn vào Các Báo cáo kỹ thuật PQ
-
Để cùng trực tiếp tham gia vào dự án Phú Quốc, nhấn vào Tình nguyện viên.
-
Để đóng góp, hỗ trợ cho dự án Phú Quốc, nhấn vào Hãy cùng hợp tác