Sử dụng sản phẩm động vật hoang dã ở TPHCM

TP. Hồ Chí Minh, ngày 23 tháng 5 năm 2011 – Tổ chức Bảo vệ Động vật hoang (WAR) công bố những phát hiện mới nhất về việc sử dụng sản phẩm động vật hoang dã (ĐVHD) tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là kết quả của cuộc khảo sát với hơn 4000 người dân và gần 3600 học sinh Trung học cơ sở trên địa bàn Thành phố từ tháng 8 năm 2010 đến tháng 4 năm 2011, do Tổ chức WAR và Khoa sinh học, Trường Đại học Khoa học Tự Nhiên, Đại học Quốc gia TP.HCM phối hợp thực hiện.

Kết quả khảo sát cho thấy hơn một nửa người dân sống và làm việc ở TPHCM được khảo sát đã từng sử dụng sản phẩm từ ĐVHD; trong đó gần một nửa sử dụng từ 3 lần trở lên trong một năm. Nam giới sử dụng sản phẩm ĐVHD nhiều hơn nữ giới. Ăn thịt là hình thức sử dụng sản phẩm ĐVHD phổ biến nhất, tiếp đến lần lượt là uống rượu, làm thuốc, làm cảnh và làm đồ trang trí, thời trang. Người dân thường ăn thịt ĐVHD tại các quán ăn trong TP.HCM. Phần lớn người dân ăn thịt ĐVHD là vì được mời, để thử cho biết hoặc thấy thịt ĐVHD ngon hơn. Nhóm người ở độ tuổi trung niên (36-45 tuổi), người có chức vụ cao, học vấn cao có xu hướng sử dụng sản phẩm ĐVHD nhiều hơn. Khảo sát cũng cho thấy việc sử dụng sản phẩm ĐVHD của người dân TPHCM có xu hướng gia tăng trong tương lai.

Khảo sát học sinh THCS cho thấy việc sử dụng sản phẩm ĐVHD của học sinh THCS được định hướng bởi cha mẹ, người lớn trong gia đình. Các em được dùng những sản phẩm bố mẹ dùng. Tuy nhiên, chỉ có 28,2% học sinh THCS tham gia khảo sát đã từng sử dụng sản phẩm ĐVHD. Học sinh nam sử dụng nhiều hơn học sinh nữ. Trong các hình thức sử dụng ĐVHD, ăn thịt cũng là hình thức phổ biến nhất. Khác với người dân, học sinh thường được bố mẹ cho ăn thịt ĐVHD tại các quán đặc sản ở các tỉnh khác khi đi chơi xa với các nhà, hoặc nhân các sự kiện trong gia đình như: sinh nhật, thôi nôi.

Kết quả khảo sát kiến thức và thái độ cho thấy cả người dân và học sinh đều có hiểu biết tốt về vai trò của ĐVHD. Tuy nhiên cả người dân và học sinh còn nhầm lẫn về mức độ quí hiếm của các loài. Cả người dân và học sinh đều cho rằng buôn bán bất cứ sản phẩm ĐVHD nào đều là hành vi phạm pháp. Tuy nhiên, thực tế trong một số trường hợp, buôn bán ĐVHD có thể là hợp pháp. Cả học sinh và người dân đều cho rằng săn bắt và buôn bán ĐVHD là mối đe doạ nguy hiểm nhất đối với ĐVHD. Thực tế, sử dụng sản phẩm ĐVHD tạo nhu cầu cho việc săn bắt, buôn bán ĐVHD và do vậy mới là mối đe doạ lớn nhất đối với động vật hoang dã, khiến các loài bị đe doạ tuyệt chủng. Rất nhiều người dân và học sinh đều biết có thể thông báo đến các cơ quan chức năng hoặc các tổ chức bảo tồn khi thấy ĐVHD bị buôn bán, tiêu thụ trái phép. Song, hầu như cả người dân và học sinh đều không biết và không nhớ số điện thoại nào để thông báo. Khảo sát cũng cho thấy học sinh có thái độ tốt hơn người lớn trong việc bảo vệ ĐVHD và sẵn sàng bảo vệ ĐVHD. 

Tiến sĩ Hoàng Đức Huy, Phó Chủ nhiệm Khoa Sinh học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP HCM khẳng định: “Cuộc Khảo sát này giúp chúng tôi hiểu thêm về việc sử dụng sản phẩm ĐVHD ở TPHCM, từ đó có thể thiết kế các can thiệp hiệu quả nhằm ngăn chặn việc săn bắt, buôn bán, tiêu thụ trái phép ĐVHD”.

Với kết quả khảo sát như trên, Tổ chức WAR khuyến nghị thực hiện các hoạt động truyền thông giáo dục cho các nhóm đối tượng nhằm ngăn chặn việc sử dụng sản phẩm động vật hoang dã. Tổ chức WAR cũng khuyến nghị thực hiện các nghiên cứu, giới thiệu sản phẩm động vật hoang dã được gây nuôi hợp pháp nhằm khuyến khích người tiêu dùng chỉ sử dụng các sản phẩm ĐVHD bền vững, hợp pháp. Đồng thời, các can thiệp liên quan đến thực thi pháp luật và nghiên cứu bảo tồn loài cũng cần được đẩy mạnh, góp phần bảo vệ các loài ĐVHD, đặc biệt là các loài quí hiếm.

Bà Đỗ Thị Thanh Huyền, Quản lý Chương trình Giáo dục Bảo tồn, Tổ chức WAR cho biết: “Các can thiệp nhằm ngăn chặn việc buôn bán tiêu thụ sản phẩm ĐVHD trái phép cần hướng vào người sử dụng sản phẩm động vật hoang dã, vì có nhu cầu mua mới có nhu cầu bán. Chính người tiêu dùng đã tạo nhu cầu cho việc săn bắt, buôn bán sản phẩm ĐVHD trái phép, khiến các loài bị đe doạ tuyệt chủng. Các chương trình giáo dục truyền thông với thế hệ trẻ sẽ có hiệu quả lâu dài, bền vững và do vậy sẽ được Tổ chức WAR ưu tiên thực hiện”. 

Trong thời gian tới, WAR sẽ tiến hành một số hoạt động nhằm ngăn chặn sử dụng sản phẩm ĐVHD trái phép, giáo dục, khuyến khích để người tiêu dùng chỉ sử dụng những sản phẩm ĐVHD bền vững, hợp pháp.

Xin mời tải Thông cáo Báo chí tại đây.

Phát động cuộc thi vẽ tranh bảo vệ Tê giác một sừng và các loài động vật hoang dã quí hiếm

TP.Hồ Chí Minh, ngày 23 tháng 03 năm 2011 – Tổ chức Bảo vệ Động vật hoang dã (WAR) phối hợp với Báo Khăn Quàng Đỏ tổ chức cuộc thi vẽ tranh “Báu vật Rừng xanh” cho trẻ em từ 11 đến 15 tuổi trong cả nước, trong thời gian từ ngày 23 tháng 3 đến ngày 20 tháng 5 năm 2011. Đây là một hoạt động tưởng nhớ sự kiện con Tê giác một sừng chết tại Vườn Quốc gia Cát Tiên hồi đầu tháng 5 năm 2010. 

Với chủ đề “Bảo vệ Tê giác một sừng và các loài động vật hoang dã quí hiếm”, cuộc thi vẽ tranh nhằm nâng cao nhận thức của trẻ em và công chúng về vẻ đẹp và giá trị của các loài động vật hoang dã, đồng thời kêu gọi hành động bảo vệ các loài động vật hoang dã quí hiếm sao cho chúng không đứng trước nguy cơ tuyệt chủng như Tê giác một sừng.

Lễ trao giải cuộc thi vẽ tranh này sẽ được tổ chức nhân dịp Ngày Đa dạng Sinh học thế giới năm nay (22 tháng 5 năm 2011). Những tranh vẽ đẹp nhất cũng sẽ được đăng trên báo Khăn Quàng Đỏ và được trưng bày tại lễ trao giải. 

Thể lệ cuộc thi, thông tin về Tê giác một sừng và một số loài động vật hoang dã quí hiếm sẽ được đăng trên các số báo Khăn Quàng Đỏ ngay sau khi cuộc thi bắt đầu. 

Ông Nguyễn Vũ Khôi, Giám đốc Tổ chức WAR cho biết: “Cuộc thi vẽ tranh này là cơ hội để chúng ta cùng suy nghĩ và thể hiện sự quan tâm đến các loài động vật hoang dã quí hiếm. Chúng ta cần hành động ngay, sao cho các loài quí hiếm không gặp phải số phận như Tê giác một sừng.”

Cuộc thi vẽ tranh này là một hoạt động trong chương trình Chung sức Bảo vệ thiên nhiên do Tổ chức WAR phối hợp với Báo Khăn Quàng Đỏ thực hiện từ tháng 6 năm 2010 cho trẻ em từ 11 đến 15 tuổi là thành viên các Câu lạc bộ Em Yêu Thiên Nhiên và Phóng viên Nhí. Các em đã được đi tham quan khám phá thiên nhiên Vườn Quốc gia Cát Tiên, tham quan Trạm Cứu hộ Động vật hoang dã Củ Chi, thả động vật hoang dã về thiên nhiên, làm nhà truyền thông nhỏ tuổi, rèn luyện kỹ năng viết báo môi trường, vui chơi tìm hiểu về thế giới động vật hoang dã…

Xin mời tải về Thể lệ Cuộc thi Vẽ tranh tại đây hoặc tại website www.muctim.com.vn
Tải về Thông cáo báo chí về cuộc thi vẽ tranh tại đây.

Phát hiện loài chuồn chuồn mới cho Việt Nam

TP. Hồ Chí Minh, ngày 19 tháng 4 năm 2011 – Tổ chức Bảo vệ Động vật hoang dã (WAR) công bố phát hiện thêm một loài chuồn chuồn mới cho Việt Nam, Chuồn chuồn tràm (Aethriamanta aethra). Loài này được ghi nhận trong đợt điều tra tại Vườn Quốc gia U Minh Thượng, tháng 3 năm 2011 do Tổ chức WAR thực hiện.

Trước đây Chuồn chuồn tràm chỉ được ghi nhận ở một số nước như Thái Lan, Singapore, Malaysia… Con đực và con cái loài này có màu sắc khác nhau, con đực trưởng thành có màu tím than xen kẽ với màu đen trong khi con cái có màu vàng rơm với các mảng đen mặt lưng các đốt bụng. Con đực chưa trưởng thành có màu vàng nhạt trước khi chuyển thành dạng tím than sẫm. Loài này được tìm thấy tại vùng đầm ngập nước của Vườn Quốc gia U Minh Thượng.

Đợt điều tra được thực hiện bởi Đỗ Mạnh Cương (chuyên gia bảo tồn các loài chuồn chuồn của IUCN tại Việt Nam) và Bùi Hữu Mạnh (nhà sinh học, chuyên gia bảo tồn của Tổ chức WAR) dưới sự hỗ trợ của Vườn Quốc Gia U Minh Thượng.

Phát hiện này cho thấy khả năng còn có nhiều loài chuồn chuồn mới chưa được phát hiện tại các vùng đất ngập nước phía nam. Trong thời gian tới, Tổ chức WAR sẽ tiến hành những nghiên cứu sâu hơn về phân bố của loài này tại các vùng đất ngập nước phía nam cũng như điều tra toàn diện khu hệ chuồn chuồn tại Vườn Quốc gia U Minh Thượng. Kết quả điều tra sẽ giúp các nhà bảo tồn đưa ra chiến lược thích hợp về bảo tồn đa dạng sinh học các vùng đất ngập nước nói chung và các loài chuồn chuồn ở khu vực nói riêng. 

“Phóng viên nhí” học Kỹ năng viết báo về thiên nhiên

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 13 tháng 3 năm 2001 – Hai mươi em thiếu nhi  từ 11 đến 15 tuổi, thành viên Câu lạc bộ (CLB) Phóng viên nhí và Em Yêu Thiên nhiên thuộc báo Khăn Quàng Đỏ đã học và thực hành viết báo về thiên nhiên. Hoạt động này là một nỗ lực của Tổ chức Bảo vệ Động vật hoang dã (WAR) và Báo Khăn Quàng Đỏ nhằm trang bị cho các em thiếu nhi kỹ năng viết báo, giúp các em có khả năng viết tin, bài, đặc biệt là những tin, bài về thiên nhiên.

Tại lớp tập huấn, các em được học về thiên nhiên và đa dạng sinh học của Việt Nam; thấy được vai trò của các phóng viên trẻ trong việc bảo tồn thiên nhiên. Các em cũng được học về kỹ năng viết báo, thông qua buổi giao lưu với phóng viên chuyên viết về môi trường của Báo Thanh Niên. Các em đã thảo luận sôi nổi và sẵn sàng thực hành những kỹ năng này.

Trong thời gian tới, các “phóng viên nhí” đã tham gia tập huấn sẽ thực hành bằng cách viết báo cổ động cho cuộc thi vẽ tranh “Báu vật rừng xanh” với chủ đề “Bảo tồn Tê giác một sừng và các loài động vật hoang dã quý hiếm”. Những bài báo chất lượng sẽ được đăng trên tạp chí Khăn Quàng Đỏ, trong suốt thời gian diễn ra cuộc thi vẽ tranh.

Chương trình khám phá rừng mới ở Phú Quốc

Đảo Phú Quốc, ngày 6 tháng 3, 2011– Một chương trình tham quan rừng cho học sinh cấp 2, mang tên “Một ngày khám phá rừng” đã được xây dựng thành công tại Vườn Quốc gia (VQG) Phú Quốc. Thông qua việc trải nghiệm thiên nhiên, học sinh hiểu và giải thích được giá trị của rừng VQG Phú Quốc cũng như các mối đe dọa đối với rừng; chương trình cũng giúp các em trân trọng giá trị của rừng và hướng tới hành động bảo vệ rừng.

Khác với các chuyến tham quan rừng trước đây, trong chương trình “Một ngày khám phá rừng”, học sinh được trải nghiệm và tìm hiểu về rừng thông qua nhiều hoạt động thú vị: sử dụng kinh lúp tìm kiếm dấu vết động vật, phân biệt vỏ cây rừng, nghe cán bộ Vườn giới thiệu các loài động thực vật quí hiếm, nhắm mắt và tưởng tượng chu trình của nước, làm mô hình thể hiện chức năng của rừng bằng các vật liệu tự nhiên như sỏi, cát, đất, lá và cành cây khô. Học sinh cũng được tham gia các trò chơi khởi động sôi nổi. Kết thúc chuyến tham quan, mỗi học sinh tự trang trí bưu thiếp bằng các vật liệu tự nhiên và được mang về nhà làm quà lưu niệm, nhắc học sinh bảo vệ rừng.

Chuyến tham quan được thử nghiệm thành công đối với khoảng 40 học sinh tuổi từ 12 đến 15 và 8 giáo viên cấp 2 tại đảo Phú Quốc.

Đây là lần đầu tiên em được tham gia chuyến tham quan rừng Phú Quốc. Em cảm thấy yêu thiên nhiên hơn và sẽ tham gia bảo vệ thiên nhiên từ hôm nay”, Đỗ Quang Trường, học sinh trường THCS Gành Dầu.

Chương trình “Một ngày khám phá rừng” được xây dựng và thực hiện trong khuôn khổ khoá tập huấn “Kỹ năng diễn giải thiên nhiên” cho nhóm cán bộ Giáo dục Môi trường, VQG Phú Quốc từ ngày 2 đến ngày 7 tháng 3, 2011. Trong 03 tháng tới, nhóm cán bộ được tập huấn sẽ thực hiện chương trình “Một ngày khám phá rừng” với khoảng 200 học sinh thuộc 5 Câu lạc bộ Xanh ở các trường THCS vùng đệm VQG.

Thành lập năm Câu lạc bộ Xanh tại các trường cấp 2 Phú Quốc

Phú Quốc, tháng 3, 2011 – WAR hợp tác với Vườn Quốc gia (VQG) Phú Quốc và Phòng Giáo dục và Đào tạo Phú Quốc thành lập năm Câu lạc bộ (CLB) Xanh tại 05 trường Trung học cơ sở Cửa Cạn, Cửa Dương, Bãi Thơm, Bãi Bổn, Gành Dầu.

CLB Xanh là sân chơi giúp học sinh cấp 2 góp phần bảo tồn VQG Phú Quốc. Từ nay đến cuối học kì, CLB sinh hoạt hai tuần một lần. Thành viên CLB sẽ được tìm hiểu về thiên nhiên Phú Quốc qua các trò chơi và hoạt động giáo dục hiệu quả, đồng thời mỗi thành viên sẽ có cơ hội được tham gia chuyến tham quan “Một ngày khám phá rừng”.

Mỗi CLB được hướng dẫn bởi hai giáo viên đã được tập huấn về cách thành lập và vận hành CLB Xanh.

WAR đang tìm kiếm thêm các nguồn hỗ trợ tài chính để duy trì các CLB này trong thời gian tới.

Học sinh cấp 2 thực hiện truyền thông môi trường tại trường học

Thành phố Hồ Chí Minh, từ tháng 2 đến tháng 3, 2011 – Mười sáu thành viên Câu lạc bộ (CLB) Em Yêu Thiên Nhiên, Báo Khăn Quàng Đỏ được chia thành 03 nhóm để thực hiện các hoạt động truyền thông môi trường cho hơn 3500 học sinh của ba trường THCS tại thành phố Hồ Chí Minh. Đây là cơ hội cho học sinh tuổi từ 11 đến 15 thực hành kĩ năng truyền thông được tập huấn năm ngoái. Mỗi nhóm học sinh được hỗ trợ bởi 1-2 sinh viên tình nguyện đến từ các trường đại học trong thành phố.

Tại trường THCS Ngô Quyền, quận Tân Bình, một cuộc thi đố vui “Tìm hiểu thế giới động vật hoang dã” đã được tổ chức, nhằm giúp học sinh hiểu biết thêm về động vật hoang dã cũng như các phương pháp bảo vệ. Mỗi câu trả lời đúng sẽ được nhận một phần quà. Cuộc thi đã được các em học sinh thực hiện rất thành công với sự tham gia của hơn 1000 học sinh trong trường.

Tại trường Lạc Hồng, trong khoảng thời gian một tháng phát động cuộc thi nhiếp ảnh “Con người và thiên nhiên – Đẹp và chưa đẹp” đã có hơn 19 bộ sưu tập ảnh chụp những hành động đẹp và chưa đẹp trong thành phố và trong trường học gởi về ban tổ chức. Những tác phẩm chất lượng nhất được trao thưởng tại trường.

Tại trường THCS Phú Mỹ, cuộc thi “Thiết kế thùng rác – Lớp học sạch đẹp” được thực hiện nhằm khuyến khích học sinh bỏ rác đúng nơi qui đinh. Học sinh cũng đã thiết kế nhiều thùng rác đẹp, sáng tạo để sử dụng trong lớp học.

Cuối chương trình, mỗi lớp đoạt giải ở các cuộc thi trên được đề cử 01 bạn tham gia chuyến tham quan học tập tại Trạm cứu hộ Động vật hoang dã Củ Chi

Tổ chức WAR và Báo Khăn Quàng Đỏ hợp tác thực hiện chương trình này nhằm giúp thế hệ tương lai quan tâm đến môi trường, sẵn sàng hành động bảo vệ môi trường và bảo tồn động vật hoang dã.

WAR công bố phát hiện 12 loài cá nước ngọt mới cho Việt Nam

TP. Hồ Chí Minh, ngày 21 tháng 12 năm 2010 – Phát hiện 12 loài cá nước ngọt mới cho Việt Nam

TP.Hồ Chí Minh, ngày 21 tháng 12 năm 2010 – Tổ chức Bảo vệ Động vật hoang (WAR) công bố phát hiện 12 loài cá nước ngọt mới cho Việt Nam. Những loài này được phát hiện trong các cuộc điều tra tại Phú Quốc từ cuối năm 2008 đến nay. Trong số đó có những loài khá phổ biến ở Phú Quốc.

Một số loài đã được ghi nhận trước đây tại Việt Nam nhưng dưới các tên khác, tên không chính xác, ví dụ như loài Danio pulcher cũng thường được biết dưới tên  Brachydanio albolineatus (tên đồng danh), loài Betta prima được biết dưới tên Betta pugnax (tên sai). Một số loài được các nhà nghiên cứu nước ngoài phỏng đoán có tại Việt Nam do chúng đã được ghi nhận ở các khu vực lân cận như Lào, Camphuchia và Thái Lan, nay đã được xác nhận như Trigonostigma espei. Một số loài trước đây chỉ ghi nhận được tại khu vực Indonesia, Malaysia như Barbucca cf. diabolica. Với những loài được định danh tạm thời, có thể có loài mới cho khoa học.

Công tác định danh hiện tại chỉ mới ở giai đoạn ban đầu. Các phát hiện bổ sung hoặc thay đổi có thể được công bố trong tương lai.

Những phát hiện này cho thấy khả năng vẫn còn  nhiều loài cá nước ngọt không có giá trị kinh tế khác chưa được ghi nhận cho Việt Nam” – Theo ông Bùi Hữu Mạnh, Cán bộ Bảo tồn Tổ chức WAR.

Hiện nay, rất nhiều loài cá nước ngọt không có giá trị kinh tế đang dần suy giảm số lượng do nguồn nước bị ô nhiễm hoặc mất nơi sinh sống. Các loài cá này có vai trò quan trọng trong việc cân bằng sinh thái. Việc phát hiện ra các loài cá này giúp theo dõi được sự thay đổi quần thể các loài cá và từ đó thực hiện biện pháp bảo tồn phù hợp. Trong thời gian tới, Tổ chức WAR sẽ tiếp tục chương trình nghiên cứu, điều tra cá nước ngọt cũng như chương trình nhân giống và thả cá bản địa về thiên nhiên. 

Danh sách 12 loài cá nước ngọt mới phát hiện cho Việt Nam

1.Cá chạch suối đuôi gai (Barbucca cf. diabolica)

2.Cá heo gai mắt myers (Pangio myersi)

3.Cá heo râu đuôi chẻ (Lepidocephalichthys furcatus)

4.Cá lăng suối nâu  (Amblyceps cf. foratum)

5.Cá lia thia ấp miệng (Betta prima

6.Cá lòng tong chỉ vàng (Rasbora pauciperforata) – Redstripe rasbora

7.Cá lòng tong tam giác (Trigonostigma espei) – Lambchop rasbora

8.Cá rô dẹp đuôi hoa (Belontia hasselti) – Malay combtail

 

9.Cá sặc vện đục (Nandus cf. nebulosus) – Bornean leaffish

10.Cá sọc dưa tím (Danio pulcher) – Pearl Danio

11.Cá trèn lá đầu to (Kryptopterus macrocephalus) – Striped glass catfish

12.Cá trèn schneider (Silurichthys schneideri)

Chung kết cuộc thi hùng biện tiếng anh Green Talk

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 18 tháng 12 năm 2010 – Vòng chung kết cuộc thi hùng biện tiếng anh Green Talk chủ đề bảo vệ môi trường được thực hiện thành công bởi Trung tâm văn hóa, giáo dục và đào tạo UNESCO, Tổ chức Bảo vệ Động vật hoang dã (WAR), Tạp chí Thế giới doanh nhân, Công ty Truyền thông Ánh Sáng Việt và Công ty Truyền thông Phía Nam.

Cuộc thi Green Talk nhằm nâng cao nhận thức của công chúng, đặc biệt là các bạn trẻ đối với môi trường, khuyến khích các bạn trẻ sáng tạo và hành động nhằm bảo vệ môi trường. Đây cũng là sân chơi, giúp các bạn rèn luyện tiếng Anh và đóng góp cho công tác bảo vệ môi trường.

Green Talk gồm 3 vòng thi. Vòng 1, từ 15 tháng 11 đến 5 tháng 12 năm 2010, các thí sinh tuổi từ 16 đến 30 tuổi đưa ra các ý tưởng và sáng kiến truyền thông, giáo dục thiết thực để bảo vệ môi trường. Hai mươi ý tưởng tốt nhất được chọn vào vòng 2. Tác giả của 20 ý tưởng này được tham gia một chuyến tham quan Trạm cứu hộ Động vật hoang dã Củ Chi vào ngày 12 tháng 12 năm 2010. Vòng 2, các thí sinh thuyết trình các ý tưởng của mình bằng tiếng anh trước ban giám khảo. Năm ý tưởng khả thi nhất được chọn vào vòng 3 (vòng chung kết).

Tại vòng chung kết, tác giả của 5 ý tưởng tốt nhất thuyết trình ý tưởng của mình trước ban giám khảo và các doanh nghiệp quan tâm, hỗ trợ thực hiện ý tưởng.

Khoảng 300 người tham dự vòng chung kết bao gồm lãnh đạo các trường đại học, doanh nghiệp, sinh viên đại học và phóng viên báo chí.

Giải nhất cuộc thi thuộc về Trương Thị Vy và Phạm Thị Ngọc Tú, sinh viên trường Đại học Khoa Học Tự Nhiên với ý tưởng truyền thông khuyến khích mọi người tái sử dụng bã cà phê làm phân bón. Vy và Tú vinh dự nhận giải thưởng một chuyến du lịch Singapore để tìm hiểu  thêm về việc bảo vệ môi trường và 5 triệu đồng. Giải nhì thuộc về Nguyễn Kiều Linh, sinh viên Trường Đại học Khoa Học Tự Nhiên với ý tưởng “Intelligent Shop” (cửa hàng thông minh), quần áo cũ và vải vụn được may thành những bộ quần áo và đồ lưu niệm thời trang. Linh nhận giải thưởng 3 triệu đồng. Giải ba thuộc về Nguyễn Hoàng Vũ, đến từ trường Đại học Ngoại Thương với ý tưởng thực hiện “Thư viện xanh” trên website và trường học. Ngoài ra, hai thí sinh khác cũng được giải khuyến khích và trường Đại học Khoa Học Tự Nhiên được giải tập thể với số lượng thí sinh tham gia đông nhất.

Cuộc thi Green Talk sẽ tiếp tục thực hiện vào năm 2011 tại nhiều thành phố và mong đợi sẽ có nhiều bạn trẻ tham gia hơn nữa.

Thí sinh Greentalk tham quan Trạm cứu hộ Động vật hoang dã Củ Chi

TP Hồ Chí Minh, ngày 12 tháng 12 năm 2010 – Ba mươi nhăm sinh viên các trường đại học Thành phố Hồ Chí Minh, tác giả của 20 ý tưởng tốt nhất  của vòng 1, cuộc thi hùng biện tiếng anh Green Talk đã tham quan học tập tại Trạm cứu hộ Động vật hoang dã Củ Chi. Chuyến tham quan học tập này giúp sinh viên hiểu hơn về động vật hoang dã Việt Nam, hoạt động buôn bán động vật hoang dã trái phép và những việc thanh niên có thể làm nhằm bảo tồn động vật hoang dã quí hiếm và bảo vệ môi trường Việt Nam.

Một ngày tại Trạm cứu hộ Động vật hoang dã Củ Chi, sinh viên đã khám phá những câu chuyện cảm động về các loài động vật hoang dã quí hiếm khác nhau. Đây là lần đầu tiên nhiều bạn trẻ được quan sát, cảm nhận và học tập về các mối đe dọa đối với động vật hoang dã quí hiếm. Họ rất ngạc nhiên khi biết rằng việc mua động vật hoang dã quí hiếm để thả về tự nhiên hoặc giao chúng cho các trạm cứu hộ như Củ Chi không phải là một hành động nên làm. Các sinh viên cũng tích cực giúp cán bộ Trạm Cứu hộ chuẩn bị thức ăn và cho thú ăn. Chuyến đi là một kỷ niệm bổ ích và vui vẻ với các thí sinh Green Talk. Thậm chí một số bạn còn có ý định tham gia làm tình nguyên viên tại Trạm Cứu hộ.

Trước khi tham gia chuyến tham quan học tập tại Củ Chi, các thí sinh này đã tham gia vòng 2 của cuộc thi Green Talk. Họ đã trình bày ý tưởng bảo vệ môi trường của mình bằng tiếng Anh trước hội đồng giám khảo. Tại Trạm Cứu hộ Động vật hoang dã Củ Chi, 5 ý tưởng được lựa chọn vào vòng 3 cũng đã được công bố. Vòng 3 của cuộc thi sẽ được tổ chức vào tối ngày 18 tháng 12 năm 2010.

Green Talk là cuộc thi hùng biện tiếng anh về bảo vệ môi trường cho sinh viên tuổi từ 16 đến 30 tại thành phố Hồ Chí Minh. Mỗi thí sinh hoặc nhóm thí sinh trình bày ý tưởng giáo dục truyền thông cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường. Chiến dịch này được tổ chức bởi UNESCO, Tổ chức WAR, Tạp chí Thế Giới Doanh Nhân, Công ty Ánh sáng Việt và Công ty Truyền thông Phía Nam.

Điện thoại

Đường dây nóng WAR: 0976.06.76.46

Văn phòng tổ chức WAR: 028 3899 7314

Thông báo với chúng tôi

Khi thấy động vật hoang dã quí hiếm ngoài thiên nhiên hoặc đang bị buôn bán, tiêu thụ trái phép

    [mfile wildlife-photo filetypes:jpg|jpeg|bmp|png|gif]

      [mfile wildlife-photo filetypes:jpg|jpeg|bmp|png|gif]

      Back To Top