Hơn 100 con cá Lia thia (Betta sp.) sinh ra trong chương trình Nhân giống và thả cá bản địa về thiên nhiên của Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã (WAR) đã được thả về khúc sông dưới Cầu Đỏ, một phụ lưu của sông Sài Gòn. Hoạt động thả cá được thực hiện bởi hơn 20 thành viên Câu lạc bộ Em Yêu thiên nhiên thuộc báo Khăn Quàng Đỏ, tuổi 12-15 và sinh viên tình nguyện tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Hiện nay, ô nhiễm nước đã khiến cho nhiều loài cá trong tự nhiên sụt giảm sản lượng. Các loài cá không có giá trị kinh tế ít được quan tâm và sự biến mất của chúng hầu như không được để ý. Điều này ảnh hưởng đến đa dạng nguồn gien cũng như gây xáo trộn, mất cân bằng hệ sinh thái.
Từ tháng 2 năm 2010, Tổ chức WAR tiến hành nghiên cứu đặc tính sinh học, nhân giống và thả lại một số loài cá bản địa không có giá trị kinh tế. Nhiều loài cũng có thể được sử dụng làm cá cảnh. Những loài cá hiện đang được nghiên cứu trong chương trình này gồm cá Lia thia (Betta spp.), cá Tam giác (Trigonostigma espei), cá Lòng tong đuôi đỏ (Rasbora borapetensis), cá Thanh ngọc (Trichopsis pumilla)…”. Những loài này được thu giống trong các chương trình khảo sát của WAR tại Lâm Đồng, Đồng Nai, Phú Quốc, U Minh Thượng.
Rất nhiều loài cá cảnh, cá phóng sinh đang được ưa chuộng ở Thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố lớn khác ở Việt nam là cá ngoại nhập. Sau một thời gian, các loài cá này được thả hoặc thoát ra ngoài thiên nhiên, trở thành loài ngoại lai và xâm chiếm môi trường sống của các loài cá nội địa. Tổ chức WAR khuyến khích sử dụng cá nội địa làm cá cảnh hoặc phóng sinh, do chúng không gây thay đổi sinh thái nếu thoát vào môi trường tự nhiên.
Cá Lia thia phân bố ở khu vực miền Nam, thích nghi tốt với điều kiện nước tù hãm, hàm lượng ô-xy thấp do chúng có khả năng sử dụng ô-xy trong không khí. Chúng cũng có thể phát triển trong những môi trường mà nhiều loài cá khác không sống được. Lia thia là nhóm cá có tập tính săn mồi. Thức ăn của chúng là những sinh vật nhỏ, trong đó lăng quăng (ấu trùng muỗi) là thức ăn “khoái khẩu” của chúng. Trước đây, cá Lia thia khá phổ biến ở khu vực nội ngoại thành, Thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng do quá trình phát triển của thành phố, các thủy vực như ao, đầm, rạch… vốn là nơi sinh sống của loài này bị san lấp, thêm vào đó, nhiều nơi, nước bị ô nhiễm quá mức khiến loài này càng trở nên hiếm hoi trong điều kiện tự nhiên.
“Những con cá Lia thia được WAR nhân giống và thả về thiên nhiên không những góp phần phục hồi quần thể cá Lia thia bản địa ở khu vực sông, rạch thuộc hệ thống sông Sài Gòn mà còn có tác dụng tiêu diệt ấu trùng các loài muỗi, trong đó có muỗi gây bệnh sốt xuất huyết hoặc các bệnh khác” – Theo ông Bùi Hữu Mạnh, Cán bộ Bảo tồn, Tổ chức WAR.
Trước khi thả cá, các bạn thiếu niên cũng đã dọn sạch rác bên bờ sông. Hoạt động thả cá Lia thia về thiên nhiên giúp học sinh nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ các loài sinh vật bản địa, đồng thời định hướng để các em tham gia tích cực hơn trong việc bảo vệ môi trường bằng những hành động hàng ngày của mình.
Trong thời gian tới, Tổ chức WAR sẽ tiếp tục chương trình nhân giống và thả thêm nhiều loài cá không có giá trị kinh tế nhưng là những loài nội địa, có tiềm năng trong ngành cá cảnh.
Một số hình ảnh của buổi thả cá có thể được xem tại đây.